Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sáng 2/6, với 446/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 90,28% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Nghị quyết quyết nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) các dự án luật: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 ảnh 1

Kết quả biểu quyết điện tử. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 9 dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), trình Quốc hội thông qua 9 luật, gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; cho ý kiến 2 dự án luật: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi).

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị đẩy nhanh tiến độ trình và mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Chuyển đổi giới tính; sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Thương mại, Luật Trọng tài thương mại, Luật Luật sư, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Người cao tuổi…; xây dựng Luật Liên kết kinh tế vùng, Luật Đô thị đặc biệt.

Về dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bản dạng giới là vấn đề phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cả về mặt khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của nước ta cũng như truyền thống văn hóa, nhận thức xã hội,…

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp, để bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh của Luật như hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Trong quá trình thi hành Luật sau này sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết, xem xét việc sửa đổi, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật khi đáp ứng đủ điều kiện.

Về tiến độ trình dự án Luật, do chuyển đổi giới tính là vấn đề mới và khó, nội dung điều chỉnh tác động đến nhiều khía cạnh xã hội, liên quan tới nhiều văn bản luật khác, cần có sự nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng nên đề nghị Quốc hội cho giữ tiến độ trình dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8 như đã đề xuất để có thêm thời gian chuẩn bị.

Đối với đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội cần khẩn trương sửa đổi Luật này để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn và bảo đảm đồng bộ với các quy định có liên quan của Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới được Quốc hội thông qua.

Chính phủ đã lập đề nghị xây dựng Luật và đề xuất đưa vào Chương trình năm 2022 nhưng qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng nhiều chính sách của dự án Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để bảo đảm tính khả thi nên đã đề nghị cơ quan trình chuẩn bị lại hồ sơ. Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.

Link nội dung: https://pld.net.vn/luat-thu-do-sua-doi-se-trinh-quoc-hoi-cho-y-kien-tai-ky-hop-thu-6-a12374.html