Sở hữu chéo ngân hàng đã trở thành vấn đề nóng khi các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật TCTD (sửa đổi) trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
“Sóng ngầm” sở hữu chéo
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay “sân sau”… trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại; rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sở hữu chéo ngân hàng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, pháp luật về ngân hàng ở nước ta còn tồn tại nhiều kẽ hở dẫn đến việc các ngân hàng lợi dụng để vi phạm và hình thành hệ thống sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ hai, việc các doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực quản lý cấp cao khiến các ngân hàng lớn khi cho vay thường muốn tham gia vào hoạt động quản trị của bên đi vay nhằm giám sát việc sử dụng vốn.
Thứ ba, các doanh nghiệp lớn thường có nhu cầu mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác, bằng cách thành lập một ngân hàng mới hoặc mua cổ phần ngân hàng…
Thông qua ngân hàng trong liên minh sở hữu chéo, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng với quy mô lớn và chi phí vốn rẻ hơn.
Tăng quyền cho thanh tra?
LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh, sở hữu không phải là vấn đề, mà giám sát cho vay mới là vấn đề. Ông chủ sở hữu 70% vốn ngân hàng mà chỉ đạo cho vay đúng thì vẫn không nguy hiểm bằng việc ông chủ sở hữu 5% vốn ngân hàng, nhưng lại cho vay sai nguyên tắc. Vì vậy, NHNN cần có cơ chế giám sát hành vi cho vay sai trái, đồng thời tăng chế tài xử phạt.
Hiện nay, do không được phép, lực lượng thanh tra giám sát ngân hàng không thể yêu cầu các cá nhân không liên quan đến TCTD cung cấp thông tin, do đó thanh tra rất khó nắm bắt tình hình.
Theo LS. Trương Thanh Đức, cần tăng cường vai trò của lực lượng thanh tra giám sát NHNN, cho phép cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng được điều tra, thậm chí điều tra hình sự một phần. Bởi nếu không được tăng quyền, cơ quan thanh tra ngân hàng rất khó phát hiện được sở hữu chéo. “Muốn đề xuất cơ quan công an điều tra, cơ quan thanh tra ngân hàng phải có bằng chứng, họ không thể có bằng chứng nếu không có chức năng điều tra”, LS. Trương Thanh Đức đề xuất.
Tuy nhiên, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng có những quan điểm khác. Tại Nghị trường, tham gia thảo luận chiều 10/6, Đại biểu Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an Hà Nội (đoàn TP.Hà Nội) nêu ý kiến về nội dung khác trong Dự thảo sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 191 dự thảo Luật quy định về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng. Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng “Hoạt động điều tra thuộc hệ thống các cơ quan tư pháp được quy định trong Hiến pháp, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; trong đó không quy định NHNN thuộc cơ quan điều tra hay cơ quan được giao một số hoạt động điều tra. Do vậy, đề nghị không quy định NHNN có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng”.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) cũng phát biểu: “Đây là một chế định mới hoàn toàn so với luật hiện hành. Tuy nhiên, việc này theo tôi cần cẩn trọng xem xét vì các thể chế pháp lý hiện nay về thanh tra, điều tra độc lập rất cần thiết. Các thiết chế của bộ máy nhà nước chúng ta hiện nay cũng đã đủ công cụ và độc lập cho việc tổ chức điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng, cụ thể là cơ quan điều tra của Bộ Công an”.
Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP HCM nêu đề xuất việc quy định thêm nhiệm vụ này trong luật cần được đánh giá và cân nhắc, bởi việc điều tra nên được giao cho một cơ quan chức năng độc lập có đủ bộ máy, nhân lực, nghiệp vụ hơn là giao cho cơ quan NHNN. Cơ quan NHNN sẽ thực hiện công tác thanh tra, giám sát. Qua thanh tra, giám sát, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự thì có thể chuyển sang cơ quan điều tra của Bộ Công an.
Link nội dung: https://pld.net.vn/chat-voi-so-huu-cheo-ngan-hang-a12534.html