Giá cát “nhảy múa”, tăng gấp đôi, gấp ba

Cung không đủ cầu, dẫn tới tình trạng khan hiếm cát đắp nền đường tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, giá cát đã bị đẩy lên nhiều lần so với trước khiến ngành xây dựng đối mặt với nhiều khó khăn.

gia-cat-xay-dung-tang-dot-bien-tu-dau-nam-2023-den-nay-pld-1686822432.png
Giá cát xây dựng tăng đột biến từ đầu năm 2023 đến nay

Trong giai đoạn 2022 - 2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ triển khai xây dựng và hoàn thành bảy dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 463km. Đó là các dự án cao tốc: Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1, Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Theo ông Hoàng Hà - phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần khoảng 36 triệu m3 cát đắp nền cao tốc. Với việc sử dụng cát sông thì trữ lượng mỏ cát được cấp phép khai thác ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... chỉ đáp ứng một phần.

Trữ lượng cát sông được các tỉnh nói trên cấp phép khai thác trong giai đoạn này khoảng 5,6 triệu m3, trung bình mỗi năm chỉ khai thác được 1,9 triệu m3.

Thời gian qua, Chính phủ đã đồng ý cho nâng công suất khai thác các mỏ khai thác cát sông lên gấp rưỡi so với trữ lượng khai thác đã cấp phép. Ngoài ra, một số mỏ cát đóng cửa cũng được xem xét cấp phép khai thác trở lại. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm cát vẫn chưa được khắc phục, giá cát vẫn "nhảy múa".

"Cung không đủ cầu, dẫn tới tình trạng khan hiếm cát đắp nền đường tại ĐBSCL. Có thời điểm giá cát đắp nền công bố 80.000 đồng/m3, nhưng trên thị trường giá lên tới 240.000 đồng/m3, gấp 3 lần", ông Hà cho biết.

Lý giải về điều này, ông Phạm Văn Bắc - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho hay: "Vật liệu san lấp, đắp nền cao tốc ở ĐBSCL chỉ có hai nguồn là đất đắp nền và cát hút từ lòng sông. Đất đắp nền trong vùng rất khan hiếm, phải khai thác từ Long An để vận chuyển đến công trường, vận chuyển rất xa, chi phí lớn.

Việc sử dụng cát biển thì có thể đáp ứng được yêu cầu nhưng khai thác cát biển với trữ lượng bao nhiêu, độ sâu ra sao để không gây sạt lở bờ biển là vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ".

Thuý Hà

Link nội dung: https://pld.net.vn/gia-cat-nhay-mua-tang-gap-doi-gap-ba-a12600.html