Với vốn điều lệ 26.220 tỷ đồng, Bamboo Airways đã vượt mặt Vietnam Airlines (vốn 22.143 tỷ đồng), trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường của công ty diễn ra ngày 9/5 đã thông qua phương án tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 7.720 tỷ đồng phát hành để hoán đổi nợ và 3.780 tỷ đồng phát hành cho nhà đầu tư chiến lược.
Theo thông tin từ văn bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm, thành viên HĐQT tại FLC và Bamboo Airways, tính đến ngày 10/4/2023, ông đã cho Bamboo Airways vay tổng số tiền gốc và lãi) là 7.727 tỷ đồng nhưng đến nay Bamboo Airways vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để hoàn trả nợ.
Ngày 9/5, ông Sâm cũng cho biết đang trực tiếp sở hữu 243,7 triệu cổ phần BAV của Bamboo Airways, tương ứng 12,53% vốn.
Trước đó, FLC đã công bố nghị quyết chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần BAV, tương ứng 21,7% vốn Bamboo Airways cho ông Sâm. Đổi lại, tập đoàn được thanh lý toàn bộ nghĩa vụ nợ với cá nhân này.
Nếu gộp cả phần FLC vừa chuyển nhượng, ông Lê Thái Sâm có thể nắm giữ hơn 34% vốn Bamboo Airways.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Bamboo Airways, HĐQT doanh nghiệp đã nhận được đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của các ông Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Mạnh Quân.
Để đảm bảo HĐQT hoạt động liên tục, Bamboo Airways sẽ trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chính thức 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 này tại phiên họp thường niên hôm 21/6 tới. Công ty sẽ bầu HĐQT mới, nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 7 thành viên.
Bên cạnh HĐQT, Bamboo Airways cũng sẽ miễn nhiệm 3 thành viên ban kiểm soát là ông Trần Anh Tuấn, Phạm Văn Phùng và Nguyễn Đăng Khoa. Công ty sẽ bầu 3 thành viên để thay thế cho ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.
Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu 12.017 tỷ đồng, gấp 3,4 lần con số của năm liền trước. Tuy nhiên, việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng bay lỗ gộp 3.209 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm từ 2.571 tỷ đồng xuống còn 121 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lại lên 1.406 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng lên 348 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 80 lần, lên 12.750 tỷ đồng. Việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến chủ yếu do Bamboo Airways trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỷ đồng và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, Bamboo Airways báo lỗ ròng 17.619 tỷ đồng năm 2022, trong khi năm liền trước lỗ 2.281 tỷ đồng. Như vậy, đến hết năm 2022 doanh nghiệp lỗ lũy kế 19.336 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 836 tỷ đồng.
Phương Vy
Link nội dung: https://pld.net.vn/bamboo-airways-hoan-doi-no-thanh-cong-tro-thanh-hang-hang-khong-co-von-dieu-le-lon-nhat-viet-nam-a12626.html