Gỡ rào cản giữa doanh nghiệp và báo chí trong thời kỳ bùng nổ tin giả

Không chỉ tin đồn, tin sai sự thật khiến doanh nghiệp bị thiệt hại mà ngay cả cách đưa tin phiến diện, chủ quan của một số tờ báo cũng đang khiến các doanh nghiệp "thu mình" trước báo chí.

Tình trạng tin đồn, tin giả thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng trong vòng xoáy của tin đồn, tin không đúng sự thật, thậm chí có không ít doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi chỉ vì tin đồn. Trước tác động của những tin đồn, tin sai sự thật trên mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp e dè, né tránh trao đổi, cung cấp thông tin với báo chí.

Vậy doanh nghiệp cần gì ở báo chí chính thống và làm thế nào để báo chí chính thống trở thành bạn đồng hành của doanh nghiệp trước sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội? Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với báo chí còn những rào cản gì cần tháo gỡ?

go-rao-can-giua-doanh-nghiep-va-bao-chi-pld-1687252388.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Bị tin giả "bủa vây," doanh nghiệp thu mình trước báo chí

Cách đây không lâu, thông tin lãnh đạo một doanh nghiệp bị bắt được tung lên hội nhóm mạng xã hội, tuy chưa được kiểm chứng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, thông tin này đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Ngay lập tức, giá cổ phiếu của doanh nghiệp sụt giảm và nhiều hoạt động khác liên quan đến ký kết hợp đồng bị đình trệ, chưa kể những hệ lụy lâu dài sau đó.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, cho rằng với các công ty đại chúng, các thông tin thị trường là hết sức quan trọng và với thông tin không chính xác về một doanh nghiệp nào đó sẽ gây tổn hại rất lớn. Đầu tiên là uy tín của công ty đối với nhà đầu tư bị nghi ngờ. Tiếp đó là cách hành xử của nhà đầu tư làm cho thị trường bị chao đảo, thậm chí có công ty không còn khả năng phục hồi sau những thông tin thất thiệt.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), trong lĩnh vực chứng khoán, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật ảnh hưởng rất lớn, có thể làm giảm giá trị cổ phiếu trên thị trường vì nhà đầu tư rất nhạy cảm với thông tin. Họ có thể bán tháo cổ phiếu trước những thông tin thất thiệt chưa được kiểm chứng. Điều này làm giảm giá trị vốn hóa và uy tín của doanh nghiệp. Nhà đầu tư thì có thể chịu thiệt hại, thua lỗ vì bán tháo theo tin đồn... Tin giả có thể làm suy giảm chỉ số chứng khoán khiến làn sóng bán tháo diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Không chỉ tin đồn, tin sai sự thật khiến doanh nghiệp bị thiệt hại mà ngay cả cách đưa tin đưa phiến diện, chủ quan của một số tờ báo cũng đang khiến các doanh nghiệp "thu mình" trước báo chí.

Thực tế, vẫn còn có những bài báo phán ánh thông tin không khách quan, một chiều, đôi khi gây ra hiểu lầm cho doanh nghiệp và khiến doanh nghiệp e ngại chia sẻ thông tin.

Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Chu Hải Công, Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho biết thời gian qua, khi đọc một số tít bài báo mang tính “giật tít, câu view," bản thân đại diện lãnh đạo Ngân hàng MB cũng hết sức tâm tư. Những bài viết đó có thể không sai nhưng cũng chưa đúng về mặt bản chất, chưa đúng với những nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp.

Theo bà Lê Dung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup, một số đại diện doanh nghiệp vẫn có tâm lý "ngại" làm việc với báo chí, thậm chí có doanh nghiệp có tư tưởng nhà báo đến chỉ để moi móc việc xấu... Do đó, theo bà Dung, báo chí và doanh nghiệp cần có cách nhìn nhận đúng đắn về nhau.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thẳng thắn nhìn nhận không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cả doanh nghiệp lớn, các bộ, ngành, địa phương, cách thức kết nối với truyền thông vẫn còn nhiều vấn đề. Dù đã có nhiều cuộc tập huấn về người phát ngôn, truyền thông chính sách, nhưng sự thông hiểu về hiệu quả của báo chí, sự hợp tác với báo chí của các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự thấu đáo. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc không tạo được mối liên kết với báo chí và họ không biết bắt đầu từ đâu là việc rất dễ hiểu.

Tháo gỡ rào cản giữa doanh nghiệp và báo chí chính thống

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ Doanh nhân Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết theo tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp thành viên, những tin đồn ác ý giống như những "quả bom" công phá, ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh ấy, vai trò của báo chí trong xử lý khủng hoảng truyền thông là rất quan trọng, giúp định hướng dư luận, giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp.

Bà Thanh ghi nhận nhiều tờ báo kinh tế của Việt Nam hiện dành dung lượng khá lớn trên mỗi số báo để thông tin, tuyên truyền về những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm như tình hình thị trường, giá cả, cách thức quản trị doanh nghiệp, giới thiệu cổ vũ doanh nghiệp, doanh nhân điển hình, phê phán doanh nghiệp làm ăn sai pháp luật…

Qua những thông tin trên báo chí về chủ trương, chính sách, hay thị trường, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được thông tin và có những điều chỉnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này chứng tỏ báo chí đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù có nhiều tờ báo nhưng cộng đồng kinh doanh cho rằng lượng thông tin về doanh nghiệp trên các ấn phẩm báo chí chính thống vẫn chưa đủ.

Các doanh nghiệp ở quy mô dù lớn hay nhỏ, ở những mức độ khác nhau đều muốn có thông tin để "vươn ra biển lớn” hội nhập kinh tế thế giới, chiếm lĩnh thị trường và phát triển sản xuất kinh doanh. Báo chí vừa là nơi cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, vừa là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm và doanh nghiệp ra thế giới. Mặt khác, qua báo chí, thế giới cũng biết về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội, đối tác cho hợp tác, đầu tư. Vì vậy, báo chí trở thành cầu nối, giúp họ tìm được những thông tin cần thiết.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), với xu hướng mạng xã hội phát triển nhanh chóng, nhiều trang tin “chui” cũng mọc lên như nấm khiến người đọc, nhà đầu tư đối mặt với nhiều luồng thông tin cả chính thống và không chính thống. Điều này tạo ra vấn đề loạn tin nếu người đọc không biết phân biệt, lựa chọn nguồn tin chính thống bởi không phải ai cũng có đủ trình độ để phân tích được mức độ đúng sai của thông tin về một chuyên ngành nào đó.

Bởi vậy, vai trò của báo chí chính thống là rất quan trọng trong việc sàng lọc thông tin chuẩn để đưa tới người đọc. Việc chọn cho mình nguồn tin chính thống để theo dõi cũng là cách giúp "lọc" và loại bỏ đi những những "thông tin rác" phát tán trên mạng Internet hàng ngày. Báo chí chính thống luôn là cầu nối quan trọng giữa chính sách với cuộc sống. Vai trò phổ cập thông tin chính sách của báo chí chính thống rất quan trọng, bởi chính sách chỉ được đưa vào cuộc sống nhanh nhất khi đại đa số người dân được biết, thông hiểu và tuân thủ.

Quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp chính là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi, đem lại giá trị cho nhau và chia sẻ những điều tốt đẹp ra cộng đồng. Báo chí là sự hợp tác không thể thiếu để mỗi doanh nghiệp có thêm công cụ truyền thông hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm. Qua đó, doanh nghiệp tăng trưởng được doanh thu và lợi nhuận. Về phía báo chí, việc hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả cũng chính là giúp lan tỏa những điều tốt đẹp ra cộng đồng.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn về việc thiết lập quan hệ với báo chí để xây dựng thương hiệu. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đôi khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, đòi hỏi kỹ năng xử lý và mối quan hệ mật thiết từ báo chí để hỗ trợ, gỡ rối những vướng mắc này. Trong khi đó kỹ năng tiếp xúc và khả năng thuyết phục của báo chí là rất hiệu quả, giúp phát huy vai trò đồng hành xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững của doanh nghiệp...

doan-chu-tich-dieu-hanh-dien-dan-pld-1687252388.jpeg
Đoàn Chủ tịch điều hành Diễn đàn 'Báo chí-doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng' diễn ra tại Hà Nội ngày 29/6/2022. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Báo chí và cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường kết nối hơn nữa để lan tỏa những giá trị tích cực. Trước tiên, báo chí cần tạo quan hệ gắn kết, đồng hành hơn nữa với cộng đồng doanh nghiệp, luôn xác định trách nhiệm xã hội, không ngừng cổ vũ đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, thực hiện khát khao xây dựng một Việt Nam hùng cường, mạnh mẽ phát triển nền kinh tế số, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Cùng với đó, báo chí phải thực hiện tốt quy tắc chuẩn mực với phóng viên, chuẩn mực đạo đức văn hóa nghề báo. Đồng thời, hạn chế tối đa những thông tin lệch lạc, không đúng thực tế, bởi thực trạng cho thấy chỉ cần một bài báo thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nhân, doanh nghiệp...

Theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong lịch sử hoạt động của báo chí, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là quan hệ tương hỗ, hai bên đều rất cần nhau. Ngay từ khi internet và mạng xã hội chưa phát triển, báo chí vẫn cần đến doanh nghiệp như những nhà quảng cáo, những bên hỗ trợ cho chi phí hoạt động của báo chí. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần báo chí như một kênh truyền thông chính thức đưa thông tin chính xác đến với độc giả.

Ngoài kênh báo chí, doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng website, fanpage để giới thiệu, chủ động thuê công ty truyền thông, KOL (người có sức ảnh hưởng) để thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp... Nhưng dẫu sao, báo chí chính thống vẫn là kênh thông tin đáng tin cậy nhất. Thông tin đọc ở đâu đó có thể độc giả chưa tin tưởng nhưng nếu được một cơ quan báo chí chính thống đưa tin, đánh giá thì uy tín sẽ lên rất cao.

Do đó, có thể từng cơ quan báo chí lớn tự xây dựng những cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp nhưng vẫn cần sự chủ động của từng hiệp hội, sở ban ngành, địa phương để tạo nên kênh thông tin chính thống.

Theo ông Lê Quốc Minh, không chỉ xây kênh mà còn cần cập nhật thường xuyên, chỉnh sửa những thay đổi nếu có, sáng tạo hơn từ các phía để đưa thông tin của doanh nghiệp đến báo chí và báo chí hướng dẫn doanh nghiệp cách thức đưa thông tin hiệu quả. Có như vậy, hai bên mới giúp đỡ được nhau thay vì thái độ chờ đợi: một bên chờ doanh nghiệp đưa thông tin đến, một bên không biết cách làm sao để tiếp cận với báo chí.

"Trong thời buổi thông tin kỹ thuật số phát triển rất mạnh mẽ như hiện nay, không có cách nào khác là phải hợp tác với nhau và tăng tính chủ động từ các phía để thông tin thông suốt và những thông tin chính thống chính thức có thể để với độc giả nhanh nhất, theo con đường thẳng nhất," ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh./.

Link nội dung: https://pld.net.vn/go-rao-can-giua-doanh-nghiep-va-bao-chi-trong-thoi-ky-bung-no-tin-gia-a12668.html