Bộ Công Thương họp với Bạc Liêu, Long An, Bình Thuận… “thúc” tiến độ 13 dự án điện khí LNG

Bộ Công Thương cho rằng việc phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Thời của điện khí LNG

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) gồm Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).

bo-cong-thuong-lam-viec-voi-cac-tinh-co-du-an-dien-lng-trong-quy-hoach-dien-viii-pld-1687769229.jpeg
Bộ Công Thương làm việc với các tỉnh có dự án điện LNG trong Quy hoạch điện VIII

Trong Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện nền trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế.

“Phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước.

du-an-dien-lng-trong-quy-hoach-dien-viii-pld-1687769229.jpg
 
quy-hoach-dien-viii-pld-1687769229.jpg
Danh mục các nhà máy nhiệt điện LNG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện

Tuy nhiên trên thực tế, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG khá dài. Nếu tính từ lúc có Quy hoạch đến khi có thể vận hành thì nhanh nhất cũng mất khoảng 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm.

Sẽ thu hồi giấy phép đầu tư nếu vi phạm

Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) và lãnh đạo các tỉnh có dự án điện khi đã báo cáo tiến độ triển khai, cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG tại địa phương.

Để bảo đảm các dự án điện khí được triển khai, thực hiện đúng tiến độ theo Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Cụ thể, đối với các dự án đã có chủ đầu tư, các địa phương tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, …) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

“Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng nói chung và khả năng cung ứng điện nói riêng”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương cần khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của nhà máy, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, phấn đấu hoàn thành trong quý 3/2023.

“Lập và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điện sử dụng LNG. Phấn đấu hoàn thành trong quý 1/2024”, lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra tiến độ cụ thể và yêu cầu các nhà đầu tư được lựa chọn phải khẩn trương thực hiện dự án theo đúng tiến độ, yêu cầu trong chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030. Vì vậy nếu dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy lùi tiến độ của dự án đó và đẩy sớm các dự án dự phòng/hoặc tính toán các phương án khác thay thế để bảo đảm an toàn cấp điện.

Hữu Việt

Link nội dung: https://pld.net.vn/bo-cong-thuong-hop-voi-bac-lieu-long-an-binh-thuan-thuc-tien-do-13-du-an-dien-khi-lng-a12799.html