Lỡ hẹn vì... kỹ thuật
Với mục tiêu đa dạng hóa vận tải hành khách công cộng, thúc đẩy phát triển du lịch, tháng 6/2022, thành phố Hà Nội chấp thuận để Sở Giao thông vận tải Hà Nội và nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam triển khai dự án xe đạp công cộng giai đoạn 1 tại 6 quận nội thành.
Đối tượng phục vụ của dự án là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh-sinh viên, khách du lịch… Xe đạp công cộng sẽ giúp đi lại trong nội đô Hà Nội, kết nối giữa bến xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, mua sắm…
Vào thời điểm đầu năm 2022, ông Nguyễn Văn Toàn, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho hay, thay vì hướng tới những mục tiêu chung chung như “giảm ách tắc, tiết kiệm nhiên liệu, giữ xanh cho thành phố hay phục vụ du lịch”, xe đạp công cộng phiên bản 2022 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham gia trực tiếp vào việc giải quyết “bài toán dặm cuối” như nhiều nước đã làm và đạt được những thành công đáng ghi nhận.
Giai đoạn 1 của dự án, Trí Nam sẽ đưa 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp điện vào vận hành trên địa bàn 6 quận trung tâm là Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.
Theo dự kiến, tháng 9/2022, những chiếc xe đầu tiên của đề án sẽ được đưa vào vận hành. Vào thời điểm đó, thông tin về mô hình mới ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.
Tuy nhiên, thực tế, tới tận thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang "lỡ hẹn". Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân sáng 5/7, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Nam lý giải, sở dĩ dự án "chậm tiến độ" là do các vấn đề về kỹ thuật.
Cụ thể, ông Dân cho rằng, thực tế, dự án được triển khai tại Hà Nội là một mô hình hoàn toàn mới so các tỉnh đã triển khai do có thêm xe đạp trợ lực bằng động cơ điện (xe đạp điện). Do đó, phía Trí Nam phải nghiên cứu tìm ra phương án tối ưu về cả kỹ thuật, quản lý lẫn vận hành.
"Do điều kiện đặc thù, nên xe đạp điện tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về cơ khí (không gỉ sét, hệ thống phụ kiện không thể dễ dàng tháo mở); điều kiện về pin, chuẩn hóa quy trình vận hành... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải tìm ra những loại xe đáp ứng tiêu chuẩn về trọng lượng, điều kiện vận hành khi đang giữa đường hết pin vẫn có thể đạp bằng cơ để di chuyển về bến đỗ gần nhất", ông Dân thông tin.
Tính tới thời điểm hiện tại, phía Trí Nam đã 4 lần đưa các mẫu xe về để kiểm tra, vận hành thử nghiệm. Có giai đoạn tưởng thành công, nhưng đơn vị đầu tư lại phát hiện các tiêu chuẩn không phù hợp nên tiếp tục tiến hành cải tiến.
"Để đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật cần phải trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, bởi nếu chưa bảo đảm, dịch vụ có thể bị khách hàng từ chối", ông Dân nhấn mạnh.
Thông tin thêm về tiến độ dự án, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho hay, hiện tại, 100 xe đạp điện đạt quy chuẩn đang trên đường về Việt Nam. Dự kiến, ngày 20/7, số xe này sẽ có mặt tại Hà Nội.
"Chúng tôi tự tin xe đạp điện lần này đã cơ bản đủ điều kiện vận hành", ông Dân nhấn mạnh.
Bao giờ dự án chính thức "lăn bánh"?
Liên quan tiến độ dự án, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc phụ trách cho hay, tính tới thời điểm đầu tháng 7/2023, 6 quận trung tâm Hà Nội đã bố trí và bàn giao đủ các trạm xe. Trí Nam đã thi công hoàn thiện 16 trạm và đang tiếp tục tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ 63 trạm còn lại.
"Theo tiến độ, mỗi ngày chúng tôi có thể sơn kẻ 3 trạm. Như vậy, dự kiến tới 10/8, toàn bộ 79 trạm xe sẽ được hoàn tất", ông Toàn cho biết.
Ông Đỗ Bá Dân thông tin thêm, sau khi 100 chiếc xe đạp điện đầu tiên có mặt tại Hà Nội, phía Trí Nam sẽ tiến hành kiểm tra, lắp đặt, vận hành thử trong vòng 2 tuần. Tiếp đó, tới cuối tháng 8/2023, dự án có thể được chính thức khai trương để phục vụ người dân Thủ đô ngay trong dịp lễ 2/9.
"Trong quá trình vận hành, Trí Nam sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện trước khi nhập lô xe điện gồm 400 chiếc tiếp theo về", ông Dân khẳng định.
Về mức giá, ông Dân cho biết, để sử dụng xe đạp cơ bình thường, khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền 5.000 đồng cho thời gian 30 phút. Đối với xe đạp điện, chi phí sẽ ở mức 10.000 đồng/30 phút.
Căn cứ vào thực tế, Trí Nam sẽ đánh giá tỷ lệ lựa chọn, sử dụng và tiếp tục có phương án điều chỉnh loại hình phương tiện phù hợp nhu cầu khách hàng.
"Tổng mức đầu tư toàn dự án không thay đổi so dự kiến ban đầu. Chúng tôi kỳ vọng những chiếc xe đầu tiên sẽ sớm lăn bánh để phục vụ người dân", Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Nam nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Trí Nam, hiện nay, dự án xe đạp công cộng đã được triển khai trên 5 tỉnh, thành phố khắp cả nước. Sau một thời gian hoạt động, dự án đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dân.
"Doanh thu dự án hiện ở mức đủ để duy trì dịch vụ. Chúng tôi cũng nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng cũng như các chuyên gia", ông Đỗ Bá Dân nhấn mạnh.
Link nội dung: https://pld.net.vn/du-an-xe-dap-cong-cong-cua-ha-noi-bao-gio-hoat-dong-a13017.html