Theo đó, giai đoạn 2022 – 2023, trên địa bàn thành phố Đà Lạt sẽ triển khai nhiều mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm như công viên nhạc nước tại vườn hoa Đà Lạt; tuyến phố ẩm thực tại khu vực đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ, phường 4 với tổng chiều dài 900 m; mô hình tuyến phố đêm tại các tuyến đường khu Hòa Bình, Ba Tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh; khu vực quảng trường Lâm Viên.
Trong giai đoạn 2024 – 2030, tại thành phố Đà Lạt sẽ triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế ban đêm mới như, khu phố đi bộ đường Trần Quốc Toản với chiều dài 1.600m; mô hình chợ đêm tại khu vực công viên Ánh Sáng, phường 1; khu vực công viên mở - Nhà triển lãm – Đường sách tại công viên Xuân Hương.
Ngoài ra tại các khu, điểm du lịch Thung lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ, Đồi Thống Nhất sẽ hình thành tổ hợp kinh tế đêm với nhiều loại hình khác nhau.
Trong tương lai, thành phố Đà Lạt sẽ phát triển các mô hình kinh tế ban đêm tại khu trung tâm Hòa Bình; công viên Trần Quốc Toản; khu dân cư Lữ Gia; khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; khu du lịch hồ Prenn; khu dân cư mới Cam Ly; khu phố đi bộ dọc theo suối Cam Ly.
Việc triển khai các mô hình kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Lạt nhằm hình thành, phát triển các mô hình tham quan, mua sắm, giải trí, mới lạ vào ban đêm. Qua đó góp phần tác động tích cực trong việc thay đổi diện mạo ban đêm của thành phố Đà Lạt, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đồng thời phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch và người dân.
Việc phát triển kinh tế ban đêm trên cơ sở phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa người Đà Lạt ‘hiền hòa, thanh lịch, mến khách’, với sự tham gia của các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư thành phố Đà Lạt.
Lưu Bang