Ngành dược “lên đời”, vì sao cổ phiếu DNM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc?

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có Thông báo về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc cổ phiếu DNM của Tổng Công ty CP Y tế Danameco.

Cụ thể, cổ phiếu DNM sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 24/7/2023, ngày giao dịch cuối cùng tại HNX của DNM là ngày 21/7. Số lượng cổ phiếu bị hủy niêm yết là hơn 5,25 triệu cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị theo mệnh giá là hơn 52,5 tỷ đồng.

nhu-cau-cac-san-pham-chong-dich-nhu-khau-trang-trang-phuc-chong-dich-pld-1688636974.jpg
Nhu cầu các sản phẩm chống dịch như khẩu trang, trang phục chống dịch… không còn, khiến DNM thua lỗ 4 quý liên tiếp.

Lý do cổ phiếu bị hủy niêm yết là do DNM có tổng số lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 vượt quá vốn điều lệ thực góp, thuộc trường hợp cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1, Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Trước đó, cổ phiếu DNM cũng đã bị HNX đưa vào diện cổ phiếu bị hạn chế giao dịch do doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022. Do đó, cổ phiếu DNM bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của DNM ghi nhận lỗ thêm gần 49 tỷ đồng, nâng tổng lỗ của năm 2022 lên hơn 100 tỷ đồng (báo cáo tài chính tự lập lỗ hơn 51,6 tỷ đồng).

Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân là do tại thời điểm báo cáo năm 2022, thì số liệu chưa kịp thời rà soát hết tất cả chi phí trong năm và những sai lệch cách hạch toán do có sự thay đổi về nhân sự quản lý.

Sau khi nộp Báo cáo tài chính quý IV/2022, Công ty đã thực hiện rà soát lại toàn bộ các chi phí, giá thành, giá vốn và thực hiện điều chỉnh phù hợp. Về tài sản cố định, Công ty có điều chỉnh lại tăng khấu hao và chỉnh lại các khấu hao năm. Cuối cùng là Công ty thực hiện điều chỉnh tăng lãi vay cá nhân và đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ kế toán.

Kết quả kinh doanh bết bát của DNM còn kéo dài sang năm 2023, khi trong quý I/2023, doanh nghiệp ngành dược và vật tư y tế này ghi nhận doanh thu chỉ đạt hơn 50,2 tỷ đồng, giảm hơn 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục ghi nhận lỗ gần 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 15 tỷ đồng.

Danameco tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước, có lịch sử hoạt động hơn 40 năm trong lĩnh vực sản xuất thuốc, hóa dược, vật tư y tế. Đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 đã khiến nhu cầu về các sản phẩm khẩu trang, trang phục chống dịch… tăng mạnh. Điều này cũng khiến DNM được hưởng lợi, giúp doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng đột biến so với thời điểm trước dịch.

Nếu như trước dịch, doanh thu của DNM chỉ ở quanh mức từ 200 – 350 tỷ đồng, thì sang quý II và quý III/2020, doanh thu của DNM đã lần lượt đạt 241 tỷ đồng và 208 tỷ đồng. Lợi nhuận của quý II/2020 cũng đạt mức kỷ lục là 21 tỷ đồng. Cả năm 2020, doanh thu của DNM đạt gần 705 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 30,7 tỷ đồng.

Năm 2020 cũng là năm cổ phiếu DNM thăng hoa trên thị trường, khi thị giá cổ phiếu vọt tăng mạnh từ mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 7, lên mức giá 61.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng này; Tức thị giá cổ phiếu tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 tháng.

co-phieu-dnm-se-bi-huy-niem-yet-bat-buoc-pld-1688636974.png
Cổ phiếu DNM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 24/7, lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Bước sang năm 2021, doanh thu 2 quý đầu năm sụt giảm xuống còn lần lượt là 72 tỷ đồng và 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đến quý III và quý IV, khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại Việt Nam, doanh thu của DNM một lần nữa lại bật tăng mạnh lên gần 178 tỷ đồng và gần 227 tỷ đồng; lợi nhuận đạt gần 29,5 tỷ đồng.

Năm 2022, khi dịch bệnh bớt căng thẳng và dần được kiểm soát thì cũng là năm ghi nhận kết quả kinh doanh bết bát của DNM, khi cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ghi nhận 3 quý thua lỗ liên tiếp của năm này. Cả năm 2022, DNM lỗ hơn 100 tỷ đồng (theo BCTC kiểm toán năm 2022).

Kết quả kinh doanh ảm đạm trên, nguyên nhân lớn nhất đến từ việc doanh nghiệp đã không lường trước được nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm phục vụ cho việc chống dịch đã không còn, nhưng doanh nghiệp vẫn mạnh tay đầu tư máy móc, thiết bị,… dẫn đến tình trạng thiết bị nhập về không được tham gia vào hoạt động sản xuất, nhưng doanh nghiệp vẫn phải trích chi phí khấu hao cho số lượng máy móc đã đầu tư này.

Quan trọng hơn, nguồn vốn để đầu tư chủ yếu là sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Theo BCTC quý I/2023, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 347 tỷ đồng, trong đó, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn chiếm hơn 204 tỷ đồng. Cũng chính việc gia tăng nợ vay này đã khiến DNM phải gánh một khoản chi phí lãi vay không hề nhỏ. Chưa kể, vốn điều lệ của doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức hơn 43,7 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay, không theo kịp tốc độ tăng của nợ vay.

Lãnh đạo DNM cũng phải thừa nhận, do không đánh giá sát sao được tình hình diễn biến của dịch bệnh trong năm 2022, công ty vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch. Lượng máy móc mới dù không được tham gia vào sản xuất, nhưng vẫn phải trích khấu hao theo quy định, nên đã dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao.

Theo dự báo của Fitch Solutions, doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 6,7% trong giai đoạn 2022 – 2026 nhờ vào tăng trưởng trong chi tiêu cho sức khoẻ của người dân, nhất là khi quy mô dân số lớn và đang trong quá trình già hóa.

Trong đó, kênh ETC đạt mức tăng trưởng 8%, dựa trên cơ sở về việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh của thuốc biệt dược gốc, thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản pháp luật giúp khơi thông tình trạng thiếu thuốc và tạo điều kiện cho kênh ETC phát triển trong dài hạn.

Fitch Solutions nhận định, chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm của người dân Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kép 7,8%/năm trong giai đoạn 2022 – 2026, tăng từ mức 1,46 triệu đồng năm 2021 lên 2,12 triệu đồng năm 2026, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.

Trong khi đó, Chứng khoán Agriseco đánh giá, triển vọng lợi nhuận ngành dược trong năm 2023 vẫn sẽ ở mức ổn định. Theo Agriseco, ngành dược được biết đến là ngành mang tính phòng thủ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngành dược còn nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn khi quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn và đang trong quá tính già hóa với tốc độ nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng cũng giúp người dân chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe.

Trong bối cảnh mà ngành dược vẫn được đánh giá cao, sự tụt dốc của DNM càng cho thấy sự yếu kém của doanh nghiệp trong quản trị và xây dựng các kịch bản dự báo, ứng phó phù hợp với các bối cảnh kinh doanh biến động

Link nội dung: https://pld.net.vn/nganh-duoc-len-doi-vi-sao-co-phieu-dnm-se-bi-huy-niem-yet-bat-buoc-a13033.html