Ngày 29/6, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin tố cáo cô giáo bạo hành một cháu bé 9 tuổi.
Đáng chú ý, theo nội dung được đăng tải, cháu bé 9 tuổi bị chậm phát triển, mỗi tháng gia đình đã chi hơn 10 triệu đồng để nhờ giáo viên dạy can thiệp dịp nghỉ hè.
Lớp học này có địa chỉ trên đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Liên quan đến vụ việc, thông tin từ lãnh đạo UBND phường Phương Liệt cho biết, khi nắm được thông tin phản ánh về việc cháu bé 9 tuổi chậm phát triển nghi bị giáo viên dạy can thiệp bạo hành, lực lượng Công an phường Phương Liệt đã vào cuộc xác minh. Công an phường đã cử bộ phận chuyên môn xuống địa chỉ được phản ánh nhưng không có ai.
Qua xác minh được biết, căn hộ trên đường Giải Phóng được một cô giáo thuê ở. Giáo viên cũng dạy tự phát. Có thể do cha mẹ cháu bé quen biết nên gửi gắm con chứ không có trường lớp, giấy phép.
Trước đó, ngày 5/3, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai bảo mẫu Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành, cùng trú tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội) để điều tra vụ bạo hành khiến bé trai 17 tháng tuổi tử vong.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, sáng 23/2, cháu P.T.Đ. (17 tháng tuổi, trú xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) được mẹ đưa đến lớp của An và Lành. Đến khoảng 9 giờ, khi các cháu được đưa vào phòng ngủ thì Đ. khóc, chạy ra ngoài. Thấy vậy, Lành bực tức, dùng hai tay bế Đ. lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà.
Sau đó, Lành dùng tay tát nạn nhân. Trong khi An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu bé. Chiều cùng ngày, khi bố mẹ bé đến đón con, hai nghi phạm nói cháu Đ. tự ngã.
Trong các ngày tiếp sau, bé Đ. tiếp tục được bố mẹ đưa đến lớp bình thường. Đến sáng 26/2, khi cháu Đ. khóc, An lại dùng chân đạp vào bụng bé. Cú đạp khiến nạn nhân bất tỉnh. Hai bảo mẫu đã thông báo với gia đình bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu, tuy nhiên, bé Đ. đã tử vong sau đó. Nguyên nhân tử vong của bé Đ. được xác định là do chấn thương sọ não, chảy máu và phù não.
Trong năm 2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng... cũng liên tiếp xảy ra các vụ việc giáo viên nhóm có hành vi đánh, xách, ném, kéo lê, dọa nạt trẻ và cho trẻ ăn đồ ăn đã nhả ra, đút cơm thô bạo hoặc dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu trẻ...
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, phần lớn những vụ bạo hành trẻ mầm non thì nhiều trường hợp xuất phát từ các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ tự phát.
Điểm chung của các vụ việc bạo hành trẻ em liên quan đến các nhóm trẻ, cơ sở trông, giữ trẻ tự phát, đó là bảo mẫu thường không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mầm non; các nhóm trẻ, cơ sở trông, giữ trẻ này không được cấp phép hoạt động; chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không bám nắm địa bàn thường xuyên hoặc nắm được nhưng lại thiếu biện pháp xử lý kiên quyết.
Bên cạnh đó, một “lỗ hổng” khác cần sớm khắc phục để ngăn chặn các vụ việc bạo hành tại các nhóm trẻ mầm non tự phát, đó là việc cha mẹ thiếu những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ em; cha mẹ thiếu quan tâm đến con, nhất là các cháu ở độ tuổi quá nhỏ, chưa biết nói hoặc chưa có khả năng tự bảo vệ mình.
Câu chuyện trẻ bị bạo hành đã diễn ra từ nhiều năm nay và bị lên án rất mạnh mẽ. Thế nhưng, tình trạng này không hề thuyên giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng.
Những vụ việc bạo hành tại các nhóm trẻ, lớp học tự phát là điều không ai mong muốn. Sau mỗi vụ việc không chỉ là nỗi đau về thể chất, tâm hồn của con trẻ, không chỉ là mất mát của các bậc cha mẹ, gia đình mà còn là sự bất bình của dư luận xã hội.
Sau khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản, tôi phải đôn đáo tìm người trông giữ trẻ bởi không có điều kiện thuê người giúp việc.
Trong khi các trường công lập không nhận trẻ ít tháng tuổi, trường mầm non tư thục có uy tín lại có mức học phí quá cao...
Nghe mọi người giới thiệu bác hàng xóm gần nhà nhận trông trẻ, tôi khá yên tâm khi bác tự nhận là người sạch sẽ, yêu thương trẻ. Nhưng chưa được một tuần, trên má của con có vết xước và bầm tím.
Khi gia đình hỏi nguyên do, bác trông trẻ lại trả lời “không biết nguyên nhân”.
Sau sự việc này, tôi nghỉ việc khoảng một năm để chăm sóc con và nhận việc làm thêm tại nhà.
Mặc dù kinh tế khá khó khăn, nhưng để bảo đảm an toàn cho con, cho nên tôi chấp nhận. Đợi cháu lớn hơn một chút, gia đình sẽ cho cháu học tại một trường mầm non được cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ.
Chị NGUYỄN THỊ THẮM, phường Đồng Xa, Mai Dịch, (quận Cầu Giấy)
Để hạn chế, ngăn chặn những vụ việc bạo hành tại các nhóm trẻ, lớp học tư thục tự phát, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập, loại hình dân lập, tư thục, có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.
Thông tư này quy định chi tiết về tổ chức, quản lý, hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục với nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa bảy trẻ, nhóm trẻ độc lập quy mô hơn bảy trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập. Những tiêu chuẩn, nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên cũng được quy định cụ thể.
Trong đó, giáo viên, nhân viên có nhiệm vụ bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần của trẻ em trong thời gian trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập; thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non; giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; đối xử công bằng, tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện quy tắc ứng xử của giáo viên, các quy định đạo đức nhà giáo theo quy định...
Cùng với những quy định nêu trên, thiết nghĩ cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của nhiều lực lượng với vai trò nòng cốt là UBND cấp xã, phường, thị trấn và cơ quan quản lý giáo dục các quận, huyện... trong việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình...
Đặc biệt, cần mạnh tay xử lý các cơ sở hoạt động không phép để người dân yên tâm gửi gắm con. Mỗi bậc cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc con bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, nhất là trẻ chưa biết nói, cha mẹ cần thường xuyên gần gũi, quan tâm để kịp thời phát hiện những sự bất ổn về tâm lý cũng như những dấu hiệu bất thường trên cơ thể con.
Link nội dung: https://pld.net.vn/bat-an-voi-nhung-nhom-tre-lop-hoc-tu-thuc-tu-phat-a13136.html