Khám phá ẩm thực Việt Nam qua tranh minh họa

Từ một cuộc thi trực tuyến trên mạng xã hội của cộng đồng nghệ sĩ trẻ đương đại, những tác phẩm đẹp mắt và sáng tạo nhất đã tạo nên triển lãm "Vùng nào thức nấy" đang diễn ra đến hết ngày 16/7 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (Hà Nội). 41 bức tranh đưa người xem vào hành trình du ngoạn đầy cảm xúc khi cảm nhận các món ngon trên khắp mọi miền đất nước.

tac-gia-pham-tien-chung-pld-1689310279.jpg
Tác giả Phạm Tiến Chung chia sẻ với khán giả cảm hứng vẽ bức tranh "Táo mèo".

Đề tài ẩm thực vốn giản dị, quen thuộc song vẫn hiện lên sinh động, mới mẻ qua góc nhìn và kỹ thuật tạo hình của 36 họa sĩ minh họa, đa phần là người trẻ. Có tác giả chọn phong cách vẽ dễ thương, tươi sáng như tranh thiếu nhi; người khác lại chọn thể hiện qua sắc màu bùng nổ, họa tiết cách điệu.

Đáng chú ý, có tác giả chọn minh họa món "Mì Quảng" (Quảng Nam) bằng nghệ thuật cắt gấp giấy 3D, tỉ mỉ và kỳ công đến từng chi tiết nhỏ. Tại triển lãm, ban tổ chức còn thiết kế một không gian tương tác trực tiếp nhằm khuyến khích khách tham quan chia sẻ những địa chỉ quán ăn yêu thích để tạo nên một bản đồ ẩm thực địa phương dành cho tất cả mọi người.

Đúng như tên gọi, triển lãm "Vùng nào thức nấy" giới thiệu hình ảnh của các món ăn phổ biến trong bữa ăn của người Việt ở nhiều vùng miền khác nhau, hoặc những đặc sản hấp dẫn nổi tiếng, những mâm cỗ cổ truyền dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu...

Mỗi món có hương sắc gắn liền với những đặc điểm địa hình, khí hậu, khẩu vị riêng của địa phương. Chẳng hạn, tác phẩm "Táo mèo" của họa sĩ trẻ Phạm Tiến Chung (quê Yên Bái) khắc họa hài hòa phong cảnh ruộng bậc thang uốn lượn, núi rừng trùng điệp và thiếu nữ H’Mông trong trang phục thổ cẩm rực rỡ để làm nền cho đồ ăn thức uống làm từ quả táo mèo (sơn tra) - một sản vật đặc trưng của nhiều tỉnh miền núi phía bắc.

Hay trong tác phẩm "Hương vị của biển", tác giả Phạm Đình Tuấn giới thiệu bún cá Nha Trang (Khánh Hòa) và khéo léo tô điểm bằng những biểu tượng của thành phố biển như tháp Trầm Hương, tháp Bà Ponagar cùng hình ảnh tàu thuyền của ngư dân vươn khơi giữa biển cả bao la. Nhiều món ăn, thức quà khác như chè bột lọc heo quay Huế, bánh đa cua Hải Phòng, xu xoa Quảng Ngãi, bánh cuốn Gia Lai, cơm tấm Long Xuyên (An Giang)... cũng được các họa sĩ đưa vào tranh với nhiều ý tưởng độc đáo, vui nhộn.

Với những người đã và đang sống ở Hà Nội, hoặc du khách đến du lịch Thủ đô, ngắm nhìn tác phẩm "Miếng ngon Hà Nội" của tác giả Lâm Thúy Hằng có thể khiến họ muốn thực hiện ngay một "food tour" Hà thành để trải nghiệm nhiều món ngon lừng danh như phở bò, chả cá, bún chả, bún riêu, bún đậu mắm tôm, bánh cuốn, bún ốc...

Trong khi đó, tác giả Tọa Viên (sinh năm 2005) gây ấn tượng bằng sự kết hợp giữa hội họa và văn chương khi lồng ghép những hình tượng kinh điển như Lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở... vào bức tranh "Nồi cá kho ngày ấy" - tác phẩm đã nhận được sự yêu thích và thảo luận nhiều nhất khi đăng tải trên fanpage sự kiện.

Không chỉ tôn vinh sự phong phú của ẩm thực Việt Nam và kể câu chuyện văn hóa vùng miền, các họa sĩ còn gửi gắm ký ức, kỷ niệm của chính bản thân qua món ăn của quê hương, gia đình hoặc thời thơ ấu. Có thể kể đến bức tranh minh họa "Cơm" của Kiều Trang, nữ họa sĩ trẻ sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Cơm trắng là thức ăn mộc mạc nhất nhưng cũng thiết yếu nhất đối với hầu hết người Việt, và xem tác phẩm của Kiều Trang như ngửi được hương lúa chín thơm ngào ngạt trên những cánh đồng mênh mông quê nhà, như thấy được cảnh bà con nông dân cần cù lao động, như nghe văng vẳng câu ca dao "Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần"...

Khi nhắc đến nấu ăn, với hầu hết mọi người thì những hương vị ngon lành, thân thương nhất trong cuộc đời đều có bóng dáng của người mẹ. Cùng chung ý tưởng vẽ mẹ trong căn bếp nhỏ, nhưng "Bếp của mẹ" (tác giả Mai Hòa) và "Cá vào tay mẹ" (Chi Chi) có nội dung, bối cảnh, phong cách khác nhau, không trùng lặp. Chỉ có cảm nhận của người xem tranh là tương đồng: Ấm áp, dễ chịu, gợi những hồi ức về bữa cơm thuở bé.

Ngoài ra còn có "Sàng gạo cùng bà", "Bánh đậu xanh tại gia", "Công trình bánh chưng"... là những bức vẽ minh họa món ăn cùng quá trình chế biến thường do nhiều thành viên trong gia đình tập trung tham gia làm. Khi đó, ẩm thực còn là chất keo gắn kết con người với nhau, tạo nên văn hóa gia đình, tình làng nghĩa xóm.

Hiện nay, nghệ thuật minh họa ẩm thực (food illustration) là một lĩnh vực của hội họa phát triển khá nhanh và thu hút nhiều họa sĩ trẻ. Vẽ món ăn truyền thống theo lối hiện đại có thể kể chuyện lịch sử-văn hóa một cách hấp dẫn, đồng thời truyền cảm hứng du lịch và trải nghiệm.

"Vùng nào thức nấy" được phát động trên diễn đàn Vietnam Local Artist Group có 110 nghìn thành viên, được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hỗ trợ tổ chức là một tín hiệu vui, cho thấy tiềm năng của loại hình này trong việc góp phần mở rộng các không gian sáng tạo ở Thủ đô cũng như quảng bá các giá trị văn hóa tới công chúng trong nước và quốc tế.

Link nội dung: https://pld.net.vn/kham-pha-am-thuc-viet-nam-qua-tranh-minh-hoa-a13179.html