Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng các Thông tư 02, Thông tư 03, Nghị định liên quan đến trái phiếu, gần đây nhất là các quy định về việc nới lỏng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng lên tới 14-15%… đã gỡ khó cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng.
“Điều này giúp chúng ta hi vọng sẽ có những chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong thời gian tới”, ông Vinh nói
Ông Vinh cho biết, VPBank rất hưởng ứng các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nếu so sánh với đỉnh cao của thanh khoản vào cuối năm ngoái và đầu năm nay lãi suất huy động lên tới 10% thì đến nay đã giảm, ngân hàng cũng chấp nhận giảm lợi nhuận của mình để phấn đấu giải lãi suất cho vay. Một số ngân hàng quốc doanh lớn giảm tới 2.000 tỷ đồng, VPBank cũng đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận với mức giảm lãi suất từ 2 – 3%.
Cũng như các ngân hàng khác, VPBank cũng đang tiếp tục triển khai các điều kiện để tăng thêm mức tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung. Ông Vinh cho rằng, ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để nâng cao sức khỏe cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà đầu tư, quyền và lợi ích của ngân hàng, đồng thời bảo vệ tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ về đầu tư, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng…
Trong khi đó, ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, ACB đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiêm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay; cụ thể: Đa dạng kênh huy động, nỗ lực giảm lãi suất huy động bình quân. Tiết kiệm các chi phí hoạt động. Kết quả là đã tiết kiệm được hơn 500 tỷ trong 6 tháng đầu năm so với kế hoạch ban đầu; chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống mức gần 30%.
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, trong 6 tháng đầu năm, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm - 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm - 1,5%/năm.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank cũng đã triển khai 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ngân hàng đã triển khai nhiều đợt giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng. Lũy kế đến hết 30/6/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ của Vietcombank...
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, với nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Khánh Chi
Link nội dung: https://pld.net.vn/ngan-hang-chap-nhan-giam-hang-nghin-ty-dong-loi-nhuan-de-thuc-hien-chinh-sach-giam-lai-suat-a13236.html