Nhìn thẳng - Nói thật: Lãng phí cũng là tội ác

Những con số thiệt hại do lãng phí trong một báo cáo gần đây của Quốc hội khiến ai đọc cũng không tránh khỏi xót xa: Giai đoạn 2016-2021 có 3.085 dự án sử dụng vốn Nhà nước có biểu hiện lãng phí; tổng số tiền thất thoát trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng; 74.378ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.

Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2016-2021 đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 150.100 tỷ đồng với 63.200ha đất; kiến nghị thu hồi gần 71.800 tỷ đồng, hơn 31.200ha đất.

Quốc hội đánh giá lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 là rất lớn, làm thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, làm chậm sự phát triển của xã hội. Điều này cũng cho thấy công tác quản lý nhà nước về thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành vẫn còn yếu kém.

Chúng ta đã, đang làm tốt công tác chống tham nhũng thì cũng đồng thời phải làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống lãng phí. “Giặc nội xâm” cũng có hai chân, nếu chỉ ngăn chặn một chân tham nhũng thì cái chân lãng phí còn lại vẫn có thể gây tai họa nhiều khi còn hơn cả “giặc tham nhũng”.

nhieu-du-an-nha-o-bo-hoang-gay-lang-phi-rat-lon-ve-tai-nguyen-dat-pld-1689924089.jpg
Nhiều dự án nhà ở bỏ hoang gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất. Ảnh: nhandan.vn

Nhân loại xưa nay đã cảnh tỉnh về hiểm họa của căn bệnh lãng phí. Ngụ ngôn La Fontaine kể chuyện “Con ve và cái kiến” dạy người ta phải biết chăm chỉ, tiết kiệm thời gian như cái kiến mùa hè đi nhặt thức ăn dành cho mùa đông rét mướt. Đừng như con ve lười biếng phí hoài vào việc ca hát đến khi mùa đông phải hạ mình đi xin ăn. Dân gian Pháp cũng có một ngụ ngôn cùng tên kể thêm vì thích mật ong vừa để làm đẹp vừa cho giọng hát ngọt ngào hơn nên ve sẵn sàng đem hai ngày lương thực của mình đổi lấy một giọt mật ong. Tức là lãng phí vật chất. Đi vào ngụ ngôn La Fontaine, ý này được lược bớt để nhấn vào sự chế giễu lãng phí thời gian cho phù hợp với tính chất bác học của truyện. Người Anh có ngạn ngữ: “Phải biết dành tiền cho ngày mưa” (Save money for a rainy day). Người Trung Hoa càng biết tiết kiệm khi họ khuyên nhau phải: “Tích cốc phòng cơ” (dành dụm lương thực phòng lúc đói kém).

Ông cha ta đã đúc kết nhiều câu quý báu về sự tiết kiệm như: “Ăn chắc mặc bền”, “Làm khi lành để dành khi đau”, “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”... Hầu như dân tộc nào cũng có ngụ ngôn với mô típ: “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” khuyên người ta biết chăm chỉ tích lũy để làm giàu... Thì ra cần cù, tiết kiệm đã trở thành một hằng số văn hóa của nhân loại. Đối cực với tiết kiệm là lãng phí. Đương nhiên lãng phí là phản văn hóa. Dân ta còn nhắc nhở nhau: “Ở đây một hạt cơm rơi/ Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”. Điều này bật ra một triết lý sâu sắc: Hành vi lãng phí không chỉ phản lại chân lý thông thường mà còn là phản đạo lý, gọi đúng tên thì đó cũng là tội ác!

Theo Bác Hồ, lãng phí là tiêu dùng bữa bãi, không đúng mục đích, thường tập trung vào 3 loại: Lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của. Nó còn hại nhiều hơn cả tệ tham ô vì rất phổ biến, có nguyên nhân hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, hoặc thực hiện kế hoạch không cẩn thận, còn là do bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương, do thiếu tinh thần bảo vệ của công. “Liều thuốc” chữa căn bệnh này “phải dựa vào lực lượng quần chúng” và cán bộ phải làm gương: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”. Soi những lời dạy này vào thực tế hôm nay sẽ thấy đó là những lời bằng vàng, đúng đắn, quý giá vô cùng. Sinh thời, Bác là tấm gương mẫu mực về sự thực hành tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí. Thế giới nghiêng mình kính phục vị Chủ tịch nước mà ăn uống bình dân, chỉ đi đôi dép cao su và mặc bộ quần áo mà người dân thường nào cũng có thể có.

Trên thực tế, căn bệnh lãng phí nước nào, thời nào cũng có. Nhưng ở các nước có trình độ văn minh cao (tôn trọng khoa học, thượng tôn pháp luật, kế hoạch dài/ ngắn hạn đều chi tiết cụ thể) thì triệu chứng bệnh lãng phí thường nhẹ. Hiện nay, nhiều nước đang phát triển tập trung chống bệnh lãng phí chất xám (như nhiều đề tài khoa học kinh phí lớn nhưng tính ứng dụng kém, chỉ để cho vào “ngăn kéo”). Kinh nghiệm chống cả 3 loại lãng phí (như Bác Hồ đã chỉ ra) của thế giới là phải chặt đứt cái “liên minh ma quỷ” và phá tan “lợi ích nhóm”, trong đó có một bộ phận “người Nhà nước” đã bị tha hóa, biến chất, họ không chỉ tham lam, nhũng nhiễu mà còn gây ra bao lãng phí hại nước, hại dân.

Link nội dung: https://pld.net.vn/nhin-thang-noi-that-lang-phi-cung-la-toi-ac-a13309.html