Coteccons nói gì về thông tin bị kiện, yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Coteccons khẳng định là có phát sinh các giao dịch giữa 2 công ty.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons đã gửi đơn lên TAND TPHCM yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vì việc tranh chấp hợp đồng kinh tế.

Coteccons cũng đã có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM công bố thông tin bất thường về việc nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của Tòa án Nhân dân TPHCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons.

nha-tong-thau-cac-du-an-mega-pld-1690521891.jpg
Nhà tổng thẩu các dự án Mega vừa nhận thông báo của Tòa án về việc thụ lý đơn kiện của Ricons, yêu cầu mở thủ tục phá sản với Coteccons

Coteccons: Sẵn sàng hợp tác để giải quyết tranh chấp

Coteccons trước hết khẳng định hiện đang là Công ty xây dựng xây dựng đầu ngành có mức tăng trưởng doanh thu ổn định và bền vững, hiện tại tổng tài sản của Coteccons là 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỷ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Do đó Coteccons được nhà đầu tư, cổ đông tin tưởng và đánh giá là một Công ty xây dựng có nền tảng tài chính rất vững mạnh.

“Ông lớn” ngành thầu xây dựng cũng cho biết thời gian gần đây có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch. “Kể từ 2017, rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi đó nguồn nhân lực trong ngành vẫn tiếp tục tăng trong khi nguồn việc lại sụt giảm rất mạnh. Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã khiến cho thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Và một số nhà thầu đã nhân cơ hội này để đẩy cao trào những xung đột không đáng có khiến cho môi trường xây dựng ngày càng trở nên tiêu cực”, Coteccons nêu.

Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons, Coteccons khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai Công ty.

Khoản này được CTD “giải trình” là: Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 07 Công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.

Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á và một số giao dịch cho thuê thiết bị, sử dụng tiện ích giữa hai Công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.

Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: dự án Newtaco, Regina Giai đoạn 4, 5 6, dự án nhà máy Vinfast và dự án Simco.

Về tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa hai Công ty, Coteccons cho biết đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.

Với hoạt động kinh doanh hợp tác cơ sở đôi bên cùng có lợi theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, Coteccons nhấn mạnh, khi hai bên liên quan đã thực hiện giao dịch phát sinh công nợ thì phải trả nhưng phải tuân thủ đúng quy định của các hợp đồng đã ký và đúng quy định của pháp luật.

“Thời điểm hiện tại, Coteccons đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này.

19 năm hoạt động, 02 năm tái cấu trúc, chúng tôi đã chọn cho mình một con đường rất khác, bước ra khỏi các thủ thuật cạnh tranh bằng “tin đồn” và cuộc chiến về giá, quyết định đó khiến chúng tôi trăn trở về ngành Xây dựng và quyết liệt thay đổi.

Do đó, Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons”, nhà tổng thầu các dự án Mega nêu và khẳng định sự sẵn sàng hợp tác để giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa 2 bên.

Ricons: “Buộc lòng phải có các biện pháp”

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra hôm 23/6 của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ là 50 tỷ đồng – giảm mạnh so với năm 2022.

Lãnh đạo Ricons cũng đánh giá 2023, ngành xây dựng và bất động sản Việt Nam được dự báo sẽ bước vào giai đoạn khủng hoảng mới với nhiều rủi ro mang tính toàn diện, khó lường. Ricons đang đối diện với những khó khăn và thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập đến nay. Trong bối cảnh này, Ricons đã thận trọng đưa ra kế hoạch kinh doanh 2023 với các chỉ tiêu như nêu trên.

Để đảm bảo sự ổn định tài chính, Ricons đặt tiêu chí an toàn tài chính lên hàng đầu. Ricons có quy trình quản lý nợ phải thu nghiêm ngặt và có giải pháp xử lý cho từng tình huống cụ thể, có ban thu hồi công nợ là bộ phận thực hiện nhiệm vụ chi tiết. Ban lãnh đạo Ricons đề cập đến khoản nợ từ cổ đông lớn là tổ chức, khẳng định rằng việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ là không phù hợp với tinh thần hợp tác và trách nhiệm của cổ đông lớn.

Ban điều hành Ricons cho biết đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận trên tinh thần tôn trọng các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan.

“Tương tự như các đối tác khác, khi đối tác không có thiện chí và sự hợp tác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài thì Ricons buộc lòng phải có các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Việc này không vì mục tiêu nào khác là đảm bảo an toàn tài chính cho công ty và quyền lợi cổ đông”, Ban lãnh đạo Công ty chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2023.

Tài chính của CTD được đánh giá, xếp hạng ra sao?

Liên quan các thông tin về tài chính của Coteccons, FiinRatings hôm 14/6/2023 đã công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm lần đầu của CTD, với mức BBB, triển vọng ổn định.

ket-qua-xep-hang-tin-nhiem-lan-dau-pld-1690521891.jpg
Kết quả xếp hạng tín nhiệm lần đầu của nhà phát hành CTD vào tháng 6/2023. Nguồn: FiinRatings

Theo FiinRatings, mức điểm xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành của Coteccons phản ánh quan điểm nhà xếp hạng về hồ sơ rủi ro tài chính ở mức ‘thấp’ của Công ty, được hỗ trợ bởi vị thế hàng đầu của Công ty trong lĩnh vực xây dựng dân dụng tại Việt Nam, với năng lực triển khai thi công và chất lượng công trình đã được chứng minh vượt trội trên thị trường. Ngoài ra, Coteccons còn được hưởng lợi từ mạng lưới dự án và nhà thầu phụ rộng khắp cả nước, điều này giúp đảm bảo năng lực thi công và sự ổn định trong việc tiếp cận nguồn nguyên vật liệu. Việc Công ty vẫn luôn duy trì và tiếp tục ghi nhận thêm hợp đồng ký mới với giá trị lớn, mặc dù bối cảnh chung của ngành đang diễn biến không thuận lợi, cũng là cơ sở để củng cố mức điểm xếp hạng tín nhiệm này.

Ngoài ra, việc sử dụng đòn bẩy thấp và duy trì thanh khoản ở mức cao cũng giúp Coteccons làm vững chắc vị thế tài chính của mình, tăng khả năng chống chọi trước những biến động kém khả quan trên thị trường và trước những rủi ro phát sinh liên quan đến triển khai thi công dự án.

Tuy vậy, những điểm mạnh này cũng bị hạn chế bởi Công ty phải đối mặt với những thách thức chung của ngành liên quan đến rủi ro triển khai xây dựng dự án, tính chất ngành chu kì cao, nhiều biến động, phân mảnh cao, do đó mức độ cạnh tranh lớn và biên lợi nhuận mỏng.

FiinRatings cũng đánh giá hình thức hợp đồng trọn gói mà Coteccons đang áp dụng phần lớn cho các dự án đang triển khai, sẽ đặt ra một số thách thức về biên lợi nhuận mỏng và bộ đệm vốn cho công ty, đặc biệt khi Công ty vừa trải qua giai đoạn lợi nhuận suy giảm dưới tác động kép của thời kỳ mâu thuẫn nội bộ từ 2017, dẫn đến việc tái cấu trúc trong năm 2020, và dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong giai đoạn 2018-2021, các chỉ tiêu lợi nhuận của Coteccons suy giảm xuống mức thấp hơn trung bình ngành, thể hiện qua biên lợi nhuận trước thuế, lãi và khấu hao (EBITDA) giảm từ 6,9% xuống còn 1,6%, cùng với tỉ lệ vòng quay vốn lưu động giảm đáng kể từ 4,8 lần xuống còn 1,3 lần. Tuy nhiên, trong năm 2022, các chỉ số này đã có dấu hiệu cải thiện và sẽ cải thiện hơn.

Nhà xếp hạng kỳ vọng việc thi hành chính sách tài chính hiện tại sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ tín nhiệm của Coteccons. Coteccon được kì vọng sẽ duy trì tỷ lệ Nợ vay/ Lợi nhuận trước thuế, lãi, và khấu hao (EBITDA) dưới mức 2.0 lần, cũng như tiếp tục sở hữu vị thế thanh khoản tương đối lành mạnh trong 12-24 tháng tới. Vị thế thanh khoản của Coteccons hiện đang được đánh giá tốt hơn so với các đơn vị cùng ngành và tương đương với các chỉ số của một doanh nghiệp thuộc mức điểm đầu tư “BBB”.

Theo thang điểm xếp hạng tín nhiệm, “BBB” thuộc nhóm 4: Năng lực Tương đối tốt để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính nhưng dễ bị ảnh hưởng hơn trước các diễn biến bất lợi của nền kinh tế

(Nguồn: FiinRatings).

Link nội dung: https://pld.net.vn/coteccons-noi-gi-ve-thong-tin-bi-kien-yeu-cau-mo-thu-tuc-pha-san-a13459.html