Xử lý nghiêm nạn tụ tập, gây rối trật tự công cộng

Theo bạn đọc phản ánh, thời gian gần đây tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình… liên tiếp xảy ra tình trạng các thanh thiếu niên (TTN) tụ tập, đánh nhau thậm chí gây rối trật tự công cộng khiến dư luận bức xúc.

phien-toa-gia-dinh-voi-chu-de-tuyen-truyen-pld-1690887565.jpg
Phiên tòa giả định với chủ đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tội “Gây rối trật tự công cộng” do Quận đoàn Liên Chiểu (Đà Nẵng) phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. (Ảnh HOÀI THU)

Điều đáng lo ngại, trong số những TTN này có cả những học sinh đang học tại một số trường trung học phổ thông. Để hạn chế tình trạng này, không chỉ có các lực lượng chức năng làm công tác giáo dục, bảo ban mà còn cần cả sự hỗ trợ, giúp đỡ của thầy cô giáo, bạn bè và những người thân trong gia đình.

Cơ quan CSĐT Công an TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 15 đối tượng về tội gây rối trật tự công cộng xảy ra tại tổ 8, phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý.

Theo đó, do mâu thuẫn cá nhân, nhóm 15 đối tượng do Phạm Vũ Đức Đạt (SN 2007), trú tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cầm đầu đã sử dụng sáu xe máy mang theo hung khí là vỏ chai bia, không đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bấm còi để đi tìm nhóm thanh niên trên TP Phủ Lý với mục đích đánh nhau. Khi đi đến cầu Châu Giang, phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý, nhóm đối tượng này đã ném vỏ chai bia đe dọa người đi đường và đập vỏ chai vào đầu anh Đ.X.C, trú ở phường Thanh Châu, TP Phủ Lý đang điều khiển xe máy, khiến anh C bị ngã gây thương tích… Đáng chú ý, trong số 15 đối tượng bị khởi tố hình sự thì có 2 đối tượng chưa đủ 16 tuổi.

Gần đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình vừa ra quyết định khởi tố, khởi tố bị can đối với 23 đối tượng về tội gây rối trật tự công cộng. Trước đó, Hoàng Minh Quân (SN 2004), trú tại xóm Tây Thổ, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn; Trần Ngọc Điệp (SN 2006), trú tại xóm 7, xã Chất Bình, huyện Kim Sơn đã rủ 28 TTN có độ tuổi từ 15 đến 24 (gồm 25 người trú tại huyện Kim Sơn, 3 người trú tại huyện Yên Khánh) điều khiển 14 xe máy, mang theo dao phóng lợn, đinh ba, vỏ chai bia... đến TP Ninh Bình và huyện Yên Khánh.

Quá trình điều khiển phương tiện đến hai địa bàn nêu trên, những TTN này đã phóng nhanh vượt ẩu, hò hét gây mất trật tự công cộng, đồng thời sử dụng dao phóng lợn, đinh ba đâm và vỏ chai bia ném khiến một số người bị thương và gây hư hỏng một số phương tiện giao thông. Quá trình đấu tranh, các đối tượng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình và khai nhận nguyên nhân phạm tội là do muốn thể hiện bản thân…

Qua tìm hiểu các hành vi gây rối trật tự công cộng thường được biểu hiện bằng lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một hoặc nhiều người; hành vi phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị ở nơi công cộng; hò hét, tạo tiếng động gây ầm ĩ, đua xe máy trái phép; tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng...

Nguyên nhân gia tăng tình trạng các thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng là do thiếu sự quan tâm, phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục con em, nhất là trong thời gian nghỉ hè. Một số TTN có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như: cha mẹ ly hôn, cha mẹ đang chấp hành án phạt tù, cha hoặc mẹ đã chết, các em phải sống lang thang và thường thiếu thốn tình cảm, tổn thương về tâm lý. Bên cạnh đó, TTN là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thiếu sự điều khiển của lý trí và có thể dẫn đến hành vi phạm tội. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường tạo ra lối sống hưởng thụ, thực dụng đã và đang tồn tại ở một bộ phận TTN.

Ảnh hưởng của game online, phim ảnh bạo lực, tác động của các hội nhóm trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram,… Công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn nhiều bất cập, xuất hiện ngày càng nhiều các đường dây, đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ qua mạng…

Theo Thượng tá Hoàng Đức Nên, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Bình, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng các TTN tụ tập gây rối trật tự công cộng, lãnh đạo phòng đã kiến nghị Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, về phòng ngừa tội phạm lứa tuổi TTN.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm TTN. Tăng cường các biện pháp giáo dục, quản lý đối với TTN tại gia đình, nhà trường. Tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho thanh niên nhằm chủ động ngăn ngừa tội phạm từ cơ sở. Lực lượng công an cơ sở cần thường xuyên rà soát, lập danh sách quản lý các đối tượng trong độ tuổi TTN có nguy cơ vi phạm pháp luật để phối hợp với gia đình, nhà trường có biện pháp giáo dục, phòng ngừa vi phạm.

Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước trên không gian mạng, nhất là các hội, nhóm trên mạng xã hội rủ rê, lôi kéo TTN thực hiện hành vi phạm tội. Tập trung đấu tranh với các đường dây, đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các tổ công tác của công an tỉnh và công an các huyện, thành phố thường xuyên tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội trên các tuyến đường. Đối tượng nào đủ căn cứ để xử lý hình sự thì khẩn trương phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý theo quy định.

Để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật và trở thành hình mẫu về thanh niên sống đẹp, sống có ích, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức ĐVTN dưới các hình thức hội nghị, nói chuyện chuyên đề; tổ chức các “Phiên tòa giả định”, “Kể chuyện theo án” bằng hình thức sân khấu hóa; treo băng-rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích về phòng chống tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đã xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ như: Phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; TTN trường học không mắc tệ nạn xã hội… Khuyến khích các ĐVTN tham gia các hoạt động thiện nguyện, tình nguyện vì cộng đồng và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa…

Đồng chí HOÀNG VĂN HẢI, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh

Căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm,… thì có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt tù đến 2 năm. Nếu phạm tội có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; tái phạm nguy hiểm… thì có thể bị phạt tù đến 7 năm. Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân dẫn đến đánh nhau gây thương tích từ 11% trở lên thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư PHẠM VIẾT LUÂN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Link nội dung: https://pld.net.vn/xu-ly-nghiem-nan-tu-tap-gay-roi-trat-tu-cong-cong-a13529.html