Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 558-560 USD/tấn. Mức tăng cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ qua. Câu hỏi đặt ra lúc này khiến nhiều người quan tâm đến những bất ổn lương thực trên thế giới liệu có ảnh hưởng, tác động như thế nào đối với Việt Nam?
Tăng diện tích gieo cấy để tăng sản lượng
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã thu hoạch 24,1 triệu tấn lúa, kế hoạch cả năm 2023 dự kiến khoảng 43,1- 43,4 triệu tấn. Vụ Đông Xuân vừa qua Việt Nam đã giành thắng lợi khi vừa được cả mùa vừa được giá. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam gieo cấy tổng diện tích 6,175 triệu ha lúa, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng so với năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng thu hoạch trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%. Điều này đã được ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 1-8.
Về hiện tượng El Nino có thể gây hạn hán, thiếu nước cho trồng trọt đặc biệt là đối với cây lúa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ ra quyết định tạm thời cấm xuất khẩu gạo. Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thì hiện tượng này sẽ tác động đến Việt Nam vào đầu năm 2024, 2025. Tuy nhiên, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó với hiện tượng này các năm 2015-2016, đặc biệt là các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam và thế giới sẽ ít bị tác động tiêu cực từ hiện tượng thời tiết này tới cây lúa.
Để tiếp tục đảm bảo an ninh lương thực trong nước đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu góp phần “giải tỏa” nỗi lo về lương thực cho thế giới, vụ Thu Đông này tại Đồng bằng sông Cửu Long diện tích gieo cấy lúa sẽ tăng từ 650.000 ha lên 700.000 ha. Một lý do nữa khiến Việt Nam đầy tự tin về việc đảm bảo an ninh lương thực là do đã và đang “sở hữu” nhiều giống lúa ngắn ngày, siêu ngắn ngày (ngắn ngày dưới 120 ngày, siêu ngắn ngày dưới 90 ngày) hay các giống lúa cho năng suất cao IR50404 và một số giống OM để gieo cấy tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Một chuyên gia về nông nghiệp thì cho rằng với năng lực sản xuất hiện nay, Việt Nam có đầy đủ khả năng để đảm bảo an ninh lương thực trong nước và góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới. Đứng trước nhu cầu gạo của thế giới hiện nay, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu bằng việc tăng diện tích, tăng vụ để gia tăng sản lượng. Đồng thời có thể sử dụng các giống ngắn ngày, giống lúa cho năng suất cao thay vì chỉ tập trung vào gieo cấy các giống lúa chất lượng cao. Ngoài ra, tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long có thể gieo cấy 3,5 vụ lúa/năm ( 2 năm 7 vụ). Như vậy, nếu như tình hình thời tiết, thiên tai không xảy ra những diễn biến bất thường từ nay đến cuối năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động, đủ khả năng đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như góp phần "giải cơn khát" lương thực cho thế giới.
Góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới
Trao đổi với Phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chia sẻ: Diễn biến những tuần gần đây trên thị trường từ việc Ấn Độ, UAE cấm xuất khẩu gạo cho thấy đây là cơ hội của gạo Việt Nam xuất khẩu trong ngắn hạn. Còn trong trung hạn thì rất khó dự đoán bởi không biết tới điểm nào thì các nước Ấn Độ, UAE dỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Thêm vào đó, do lo ngại hiện tượng EL NiNo sẽ xảy ra trên thế giới đặc biệt đối với những quốc gia sản xuất gạo lớn trên thế giới đã tác động đến thị trường xuất khẩu gạo trên toàn cầu thời gian qua. Tác động của El Nino tới quốc gia sản xuất lúa gạo trên thế giới như thế nào? Đây là một ẩn số rất khó dự đoán. Về thị trường xuất khẩu, với những hợp đồng đã ký từ trước đây vài tháng thì doanh nghiệp có thể bị thua lỗ do thời điểm ký gạo chưa có biến động mạnh như thời điểm hiện nay nhưng nông dân thì chắc chắn lãi cao hơn.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì chỉ những hợp đồng mới ký thì doanh nghiệp mới có lãi. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp “bẻ kèo” chấp nhận chịu phạt thì sẽ gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh, thương hiệu gạo, doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới. Nếu doanh nghiệp giữ chữ tín, giao gạo theo các hợp đồng đã ký những tháng trước thì sẽ lỗ nhưng uy tín, hình ảnh doanh nghiệp sẽ được củng cố trong mắt bạn bè, đối tác lâu dài. Về phía nông dân, cũng cần có sự liên kết chia sẻ cơ hội và cả những khó khăn lúc này với doanh nghiệp nhằm giảm bớt những rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đã đã ký trước đây. Đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời điểm hiện nay là cần thiết song cần quan tâm chú ý đến khâu phân phối, lưu thông gạo tại thị trường nội địa. Bởi nếu không làm tốt khâu này, thương lái lẫn doanh nghiệp có thể “té nước theo mưa” đẩy giá gạo thị trường nội địa lên quá cao sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đặc biệt là những người nghèo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc một số cấm xuất khẩu lương thực: Ấn Độ, UAE, Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen…là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập. Chúng ta tranh thủ cơ hội song cũng phải chú ý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, doanh nghiệp Việt Nam và đối tác bạn bè, giữ chữ tín, thương hiệu, hình ảnh lúa gạo và doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm: Hiện Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
Để khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam, Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT sẽ theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023. Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu. Đồng thời Bộ NN-PTNT cũng đề nghị, các tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất lúa gạo đảm bảo việc sản xuất, lưu thông, xuất khẩu gạo được thông suốt. Cùng đó là chủ động nắm bắt tình hình, thông tin mới, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh tại địa phương để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo.
Link nội dung: https://pld.net.vn/bat-on-thi-truong-lua-gao-the-gioi-lieu-co-anh-huong-den-viet-nam-a13605.html