Vụ sạt lở đất, đá do mưa lớn, lũ quét trên tuyến đường ở xã Minh Tâm, Minh Trí và xã Nam Sơn (Huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sáng ngày 4/8 đã cuốn trôi đất đá từ đồi Dõng Chum cao khoảng 400m rơi xuống con đường bê tông bên dưới, chia cắt nhiều tuyến đường.
Ngay tại tuyến đường ở khu vực hồ Đồng Đò thuộc xã Minh Tâm, hàng loạt ô tô của khách du lịch, nghỉ dưỡng tại đây bị đất đá vùi lấp ngang thân, không thể di chuyển. Cơ quan chức năng phải triển khai đội cứu hộ, tìm cách khắc phục sự cố.
Khái niệm ô tô ngập bùn không còn xa lạ bởi tình trạng này thường hay xảy ra tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong mùa mưa bão, lũ lụt tràn về kéo theo phù sa. Sau khi nước rút làm nhiều chiếc xe ngập ngụa trong bùn lầy.
Ô tô bị ngập nước và bùn lầy có thể gây ra những hiện tượng bất ổn. Bộ phận ảnh hưởng nhiều nhất là động cơ, hệ thống điện và khoang nội thất. Để hạn chế tối đa thiệt hại khi ô tô ngập bùn, bạn cần áp dụng những kinh nghiệm xử lý tại chỗ như sau:
1. Không nên khởi động xe
Khi bùn lầy bao quanh xe, việc cố gắng khởi động sẽ tạo điều kiện cho bùn, nước tràn vào các bộ phận quan trọng trên xe. Một vài hạt cát nhỏ cũng làm máy bị hư hỏng. Vì thế, không nên khởi động hay tự lái xe thoát khỏi vùng ngập bùn.
2. Có biện pháp bảo vệ nội thất
Việc quan trọng cần làm trước khi có cứu hộ là đánh giá tình hình bùn đất xung quanh và có biện pháp bảo vệ ô tô phù hợp. Hạn chế tối đa việc mở cửa xe để nước và bùn tràn vào khoang nội thất.
Xem thêm: Khách mua xe cũ "cuồng" Hyundai Creta, Tucson hơn Santa Fe
3. Gọi cho công ty bảo hiểm
Dù mức độ thiệt hại nặng hay nhẹ nhưng khi ô tô bị ngập bùn, bạn nên gọi ngay cho công ty bảo hiểm để được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ bồi thường.
Ô tô bị ngập bùn, ngập nước thường xếp vào dạng bảo hiểm thủy kích và được chi trả theo 2 trường hợp là ngập nước và thủy kích, mức độ đền bù cũng sẽ khác nhau tùy vào chính sách của từng công ty. Có công ty đền bù cả trường hợp xe bị ngập nước lẫn thủy kích nhưng cũng có công ty chỉ đền bù ô tô bị thủy kích.
Các hư hại do ô tô ngập bùn đều nằm trong danh mục chi trả của công ty bảo hiểm. Bùn và đất trong nước sẽ để lại những vệt thẳng bên trong cũng như bên ngoài xe. Công ty bảo hiểm sẽ căn cứ dấu vết này để xác định độ ngập bùn và đưa ra phương án sửa chữa phù hợp.
4. Gọi cứu hộ
Theo các chuyên gia chăm sóc và bảo dưỡng ô tô, kỹ thuật viên thường căn cứ vào thời gian xe bị ngâm trong bùn, nước lũ để nhận định mức độ hư hỏng của các bộ phận.
Về nguyên tắc, ô tô ngập bùn sẽ ít bị ảnh hưởng nặng nề như thủy kích nhưng tài xế cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn bùn, đất làm hỏng xe và gọi cứu hộ để được hỗ trợ. Nên đưa xe đến các cơ sở bảo dưỡng bằng xe cứu hộ.
5. Kiểm tra, vệ sinh, thay thế những bộ phận bị hỏng hóc
Sau khi thoát khỏi vùng ngập bùn, ô tô cần được vệ sinh sạch sẽ. Đối với khoang nội thất, bạn cần sấy khô và khử mùi thảm lót sàn, mút cách âm, nỉ trải sàn để loại bỏ lượng bùn đất và nước còn lưu lại, ngăn chặn ẩm mốc tấn công.
Làm sạch hệ thống ống dẫn khí như ống dẫn khí, đặc biệt là hệ thống ống dẫn khí điều hòa. Tiếp đến cần kiểm tra khoang máy, nhớt động cơ, hộp số, hệ thống điện. Việc này cần được thực hiện bởi các kỹ thuật viên lành nghề. Do vậy, bạn không nên tự ý sửa chữa tại nhà, nên đưa xe tới các điểm chăm sóc xe hoặc đại lý chính hãng.
Chủ xe cũng cần thay thế một vài bộ phận dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập bùn như lọc e, thay nhớt, lọc không khí cho hệ thống máy lạnh, súc bình xăng bởi có khả năng nước đã xâm nhập vào bộ phận này.
Hãy áp dụng linh hoạt các biện pháp khác nhau để bảo vệ ô tô tùy vào mức độ ảnh hưởng và địa hình xảy ra vụ việc và những kỹ năng xử lý tại chỗ khi ô tô ngập bùn trên đây sẽ giúp bạn hạn chế mức thấp nhất thiệt hại trong tình huống này.
Link nội dung: https://pld.net.vn/o-to-bi-ngap-bun-cach-xu-ly-tai-cho-giam-thieu-toi-da-thiet-hai-a13644.html