Nguyên nhân nào khiến các khách sạn tại Đà Nẵng lại rao bán?

Đây là những đối tượng đầu tiên rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn trong và sau Covid do du lịch bị hạn chế và sức ép lãi vay. Thêm vào đó, các sản phẩm này cũng khó cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng cao từ các nhà phát triển và điều hành chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.

sau-hon-hai-nam-chiu-anh-huong-tu-dai-dich-pld-1691332592.jpg
Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều chủ sở hữu khách sạn gặp khó khăn về dòng tiền buộc phải rao bán.

Ngành du lịch, nghỉ dưỡng vẫn luôn là một trong những thế mạnh của Đà Nẵng, với những lợi thế về tự nhiên như đường bờ biển dài, vị trí tâm điểm miền Trung, quy tụ nhiều danh lam thắng cảnh và hệ thống hạ tầng phát triển.

Thị trường Đà Nẵng cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhiều thương hiệu quốc tế, gia tăng sức hút của một trong những thành phố lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đứng trước nhiều thách thức khi lựa chọn thành phố biển này cho các dự án nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, thời gian qua, khu vực này chứng kiến việc rao bán khách sạn đặc biệt các khách sạn nằm trên tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Trung tâm thành phố.

Đơn cử như Khách sạn 5 sao mặt trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) có diện tích 18.000m2, 27 tầng, gồm 164 phòng được rao bán với giá 950 tỷ đồng.

Hay như Khách sạn 14 tầng có diện tích 460m2, 14 tầng, mặt tiền đường Phan Tôn (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) được rao bán với giá 170 tỷ đồng. Theo mô tả, khách sạn này nằm ở vị trí đắc địa, đi bộ ra biển Võ Nguyên Giáp 100m, nội thất cao cấp, công năng đầy đủ, hồ bơi, spa, cà phê, nhà hàng, phòng hội nghị khách hàng…

Một khách sạn khác trên đường Phước Trường 1, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà diện tích 240m2, gồm 5 tầng, 21 phòng, được rao bán với giá 36 tỷ đồng.

Đầu tháng 7, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo một loạt danh sách tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Trong đó có một số khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng. Cụ thể, nhà băng này rao bán khách sạn 5 sao có diện tích 1.220m2 với giá 600 tỷ đồng.

Theo lý giải, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều chủ sở hữu khách sạn gặp khó khăn về dòng tiền. Hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng khôi phục chậm do du khách có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, điều này đã gia tăng áp lực trong việc duy trì hoạt động vận hành, đặc biệt với các chủ đầu tư vừa và nhỏ.

Trước tình hình này, Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, các khách sạn hiện đang rao bán hầu hết là thuộc đầu tư cá nhân, đây là những đối tượng đầu tiên rơi vào khủng hoảng trong giai đoạn trong và sau Covid do du lịch bị hạn chế và sức ép lãi vay. Thêm vào đó, các sản phẩm này cũng khó cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng cao từ các nhà phát triển và điều hành chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Tuy nhiên đây có thể xem là cơ hội từ phía người mua, để họ có thể cân nhắc kế hoạch cụ thể về quy hoạch và phát triển các dự án này để đáp ứng được xu hướng khách du lịch với chất lượng cao hơn và bền vững hơn.

Câu chuyện bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng không chỉ nằm tại thỏa thuận bán - mua mà còn nằm trong góc độ pháp lý, nguyên nhân chính khiến nguồn cung hạn chế và tạo ra tâm lý e ngại của người mua.

Nghị định 10/2023/ND-CP ban hành vào ngày 3.4.2023 vừa qua đã đưa ra cơ sở pháp lý để giải quyết vướng mắc hiện hữu về việc cấp quyền sở hữu đối với condotel, officetel, biệt thự nghĩ dưỡng và các tài sản khác được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ sử dụng cho mục đích lưu trú, du lịch. Trong đó, các công trình lưu trú du lịch được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng điều kiện pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Nhận định về những tác động từ Nghị định 10 tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và thị trường nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng nói riêng, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã trải qua thời gian dài trầm lắng. Việc thiếu khung pháp lý là rào cản lớn nhất để tạo đà phục hồi cho phân khúc này. Do đó, Nghị định 10 sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.  Đây cũng được xem là tiền đề để thị trường, bao gồm các chủ đầu tư và các nhà đầu tư hiểu rằng trong thời gian tới định hướng về pháp lý của sản phẩm đã có những bước chuyển biến. Từ đó tạo đà phục hồi cho phân khúc này tại thị trường cả nước nói chung và thị trường Đà Nẵng nói riêng.

Tâm An

Link nội dung: https://pld.net.vn/nguyen-nhan-nao-khien-cac-khach-san-tai-da-nang-lai-rao-ban-a13650.html