Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp 12 địa phương về thị trường bất động sản

Đoàn giám sát thống nhất giám sát trực tiếp tại 12 địa phương và cân đối đến yếu tố vùng miền, vùng kinh tế…

quoc-hoi-se-giam-sat-truc-tiep-12-dia-phuong-ve-thi-truong-bat-dong-san-pld-1691594073.jpg
Ảnh minh hoạ

Sáng 8.8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Phiên họp thứ nhất Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Đoàn Giám sát nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân (chủ quan, khách quan); chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ ngày 1.7.2015 đến hết ngày 31.12.2023 trên phạm vi cả nước.

Về nội dung, Đoàn giám sát việc tập trung giám sát vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế xuất phát từ thể chế, quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…; Chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội ; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; quản lý, vận hành nhà ở xã hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Đoàn giám sát cho biết, đây là một trong 4 chuyên đề sẽ thực hiện giám sát trong năm 2024 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, chuyên đề giám sát có nội dung, phạm vi giám sát rộng, là lĩnh vực khó, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, ngành, địa phương và nhiều đối tượng chịu sự tác động; thời gian tổ chức triển khai kế hoạch giám sát không nhiều, trong khi các thành viên Đoàn còn triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ song trùng khác.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hiện nay thị trường bất động sản đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà yêu cầu cơ bản, xuyên suốt đó chính là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường.

Liên quan đến nhà ở xã hội, giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với lĩnh vực nhà ở xã hội, sẽ góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, song song với việc bảo đảm về chất lượng, đáp ứng được mức sống ngày càng cao của người dân và phù hợp xu hướng phát triển bền vững, là động lực phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát, điều chỉnh về tiến độ làm việc với bộ, ngành, địa phương, không dồn lịch làm việc vào giai đoạn cuối, tránh bị động; tăng cường cơ chế xin ý kiến bằng văn bản; Bổ sung Đề cương một số cơ quan: Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính Phủ, …; Thống nhất giám sát trực tiếp tại 12 địa phương và cân đối đến yếu tối vùng miền, vùng kinh tế...

Tâm An

Link nội dung: https://pld.net.vn/quoc-hoi-se-giam-sat-truc-tiep-12-dia-phuong-ve-thi-truong-bat-dong-san-a13733.html