Đề xuất tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp”

Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề.

Nội dung trên tại Nghị quyết 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2023 về tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cũng liên quan đến triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chú trọng nghiên cứu Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg và số 04/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 5 thông tư và 4 văn bản hướng dẫn của các bộ, cơ quan mới ban hành để triển khai thực hiện ngay; kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý điều hành ở địa phương theo thẩm quyền bảo đảm sát thực tiễn và điều kiện đặc thù của từng vùng miền. 

de-xuat-tieu-chi-xac-dinh-pld-1691659933.jpg
Đề xuất tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” để hỗ trợ đào tạo nghề. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, xây dựng báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8 và Đoàn Giám sát của Quốc hội trong tháng 9- 2023 theo quy định.

Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi một số nội dung của các thông tư số: 15/2022/TT-BTC ngày 4-3-2022, 46/2022/TT-BTC ngày 28-7-2022 và Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12-8-2022 về kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 chương trình.

Các bộ, cơ quan Trung ương, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và 3 bộ, cơ quan chủ chương trình tăng cường phối hợp để trả lời các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, có văn bản trả lời sớm trong thời hạn 7 ngày và đồng gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương. Trong đó đặc biệt lưu ý việc xây dựng Sổ tay hướng dẫn chi tiết cho từng Chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình trên địa bàn.

Các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn thực hiện 3 chương trình, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo về các chương trình; giữ mối liên hệ thường xuyên với các chủ chương trình, dự án, tiểu dự án thành phần để giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát bảo đảm thiết thực, hiệu quả, kịp thời hướng dẫn các cấp, các ngành trong quá trình triển khai 3 chương trình.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Y tế rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tiếp tục hoặc không tiếp tục trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung 700 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp năm 2023 để thực hiện nhiệm vụ "Cải thiện dinh dưỡng" và "Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 trên cơ sở đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng chưa được thu hưởng nguồn vốn nêu trên theo các phương án có bổ sung hoặc dừng bổ sung kinh phí trong năm 2023.

Đồng thời đề xuất cân đối bố trí vốn ngân sách trung ương trong các năm 2024, 2025 bảo đảm bố trí đủ vốn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 2 nhiệm vụ nêu trên theo quy định và phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan liên quan có giải pháp ưu tiên xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo có người cao tuổi trong các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.

Link nội dung: https://pld.net.vn/de-xuat-tieu-chi-xac-dinh-nguoi-lao-dong-co-thu-nhap-thap-a13740.html