Ngân hàng đã bắt đầu quyết liệt để thu nợ

Theo VARS, các ngân hàng bắt đầu thể hiện sự quyết liệt hơn trong việc thu nợ và rao bán các bất động sản không còn khả năng thanh toán.

ngan-hang-da-bat-dau-quyet-liet-de-thu-no-pld-1692195378.jpg
Ảnh minh hoạ

Theo Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý 2.2023 và 6 tháng đầu năm của VARS, chỉ trong vòng 4 tháng, thị trường chứng kiến tới 4 đợt giảm lãi suất. Sẽ có độ trễ nhất định khi các quyết định này thật sự tác động đến thị trường. Tuy nhiên, VARS cho rằng, các động thái này phần nào giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và góp thêm tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.

Lãi suất vay các ngân hàng có sự điều chỉnh giảm rõ rệt trong tháng 7/2023, dao động từ 8,5% đến 11,8%, giảm từ 0,4% đến 5,5% so với đầu năm 2023. Cùng với động thái giảm lãi suất, điều kiện được vay vốn cũng là đề tài nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các phía.

Hiện nay, các ngân hàng đã bắt đầu thể hiện sự quyết liệt hơn trong việc xiết nợ và rao bán các bất động sản không còn khả năng thanh toán. Minh chứng là hàng loạt thông báo rao bán tài sản của ngân hàng thời gian vừa qua.

Hoạt động trái phiếu ghi nhận kết quả khả quan ngay sau khi Nghị định 08/2023 được ban hành. Tuy nhiên bước sang quý 2.2023, hoạt động phát hành trái phiếu lại có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu thành công (1 đợt vào tháng 4 và 2 đợt vào tháng 6) với tổng giá trị đạt 4.421 tỷ đồng, chỉ bằng 18,6% so với quý 1.

Hầu hết các doanh nghiệp không lo được tài chính để trả nợ trái phiếu mà đều áp dụng phương thức đàm phán với các trái chủ để giãn thời hạn trả nợ. Một số doanh nghiệp đã đàm phán thành công (Hưng Thịnh Land, Sovico, An Khải Hưng, Đầu tư Ngôi sao Gia Định....)

Theo VARS, phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu hoạt động trở lại ổn định và phát triển bền vững, ngoài Nghị định 08/2023/NĐ-CP, thị trường vẫn cần thêm các cơ chế, chính sách mới.

Kinh tế thế giới khó khăn do tác động của căng thẳng địa chính trị, thiên tai ở một số nước, cùng với đó là chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương và việc gia tăng điều kiện tín dụng, lãi suất cao khiến đầu tư suy giảm,... tác động mạnh và ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 được nhiều tổ chức nâng mức dự báo.

Dự báo về thị trường bất động sản nửa cuối năm, VARS cho rằng, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm các cơ chế, chính sách mới nhằm tăng tính đồng bộ cho các giải pháp hỗ trợ thị trường. Chính phủ sẽ tiếp tục mạnh tay hơn trong việc chỉ đạo, đảm bảo thúc đẩy các nghị định/nghị quyết/thông tư đã ban hành trong 6 tháng vừa rồi phát huy được tác dụng thiết thực.

Bên cạnh đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khả năng cao sẽ bắt đầu được giải ngân vào cuối quý 3 cho các dự án đúng đối tượng. Theo đó, số lượng khách hàng tiếp cận được các gói vay với lãi suất ưu đãi sẽ tăng dần. Điều này góp phần giúp thị trường dần trở lên nhộn nhịp hơn.

Theo VARS, thời gian tới, mặt bằng lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, bất động sản có thêm cơ hội phục hồi. Tuy nhiên lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm dần qua các nhịp với biên độ nhỏ. Không có sự điều chỉnh giảm mạnh đột ngột.

Hoạt động phát hành trái phiếu tiếp tục được tạo điều kiện trong khuôn khổ giám sát cẩn trọng từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Tín hiệu FED tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6.2023 có tác động tích cực đến tâm lý thị trường các lĩnh vực, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản. Tuy nhiên, VARS cho rằng, để đánh giá, cần chờ thêm các tín hiệu từ FED trong thời gian tới.

Khiêm Phạm

Link nội dung: https://pld.net.vn/ngan-hang-da-bat-dau-quyet-liet-de-thu-no-a13872.html