31 bị hại yêu cầu bồi thường
VTC đưa tin, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM (Cục THADS TP.HCM) mới đây đã ra quyết định thi hành án theo yêu cầu đối với một số bị hại trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm thực hiện.
Theo đó, Cục THADS TP.HCM đã buộc bị án Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường cho 31 bị hại có đơn yêu cầu thi hành án.
Hiện, cơ quan đang tạm giữ các tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của bị án Nguyễn Thái Luyện gồm: hơn 57 tỉ đồng; 272 miếng kim loại vàng, 8 ô tô các loại, 2 xe máy SH, 113 đầu CPU, 24 ổ cứng, 172 máy tính xách tay, máy tính bảng, 18 điện thoại di động, 3 máy chụp ảnh, 2 thẻ nhớ, 4 đầu thu camera, 5 máy in, máy phát wifi, máy chiếu, 4 USB và 1 rô tơ.
Đối với số tiền 400 triệu đồng mà bị án Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai nộp khắc phục hậu quả trong giai đoạn phúc thẩm cho tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" sẽ được trừ vào số tiền mà hai bị án này có nghĩa vụ bồi thường trong giai đoạn thi hành án.
Đối với số tiền 175 triệu đồng do 12 bị án trong đó có Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh đã nộp khắc phục hậu quả trong giai đoạn phúc thẩm sẽ được trừ vào số tiền mà bị án Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai có nghĩa vụ bồi thường trong giai đoạn thi hành án.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, các bị cáo Luyện và Mai có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định này. Nếu Luyện và Mai chưa thi hành khoản tiền như án đã tuyên thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất phát sinh do chậm thi hành án.
Đại diện Cục THADS TP cho biết cơ quan vẫn đang tiếp tục nhận đơn yêu cầu thi hành án của các bị hại trong vụ Alibaba. Sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, Cục sẽ ra quyết định thi hành án theo yêu cầu.
Nhìn lại 2 phiên tòa xử vụ Công ty địa ốc Alibaba
Theo cáo trạng từ phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty địa ốc Alibaba hoạt động kinh doanh bất động sản. Luyện sau đó thành lập 22 pháp nhân, giao cho người thân và nhân viên đứng tên, trong đó sử dụng 12 công ty với tư cách là chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật; quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện còn sử dụng thủ đoạn cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng dưới dạng đất nền thổ cư của Công ty Alibaba đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư như cam kết. Quá trình điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm đã chiếm đoạt gần 2.500 tỉ đồng của 4.560 khách hàng.
Đáng chú ý, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thi hành lệnh bắt và khám xét toàn bộ trụ sở, chi nhánh Công ty Alibaba, Mai đã chỉ đạo cấp dưới chuyển toàn bộ gốc và lãi 13,9 tỉ đồng trong một sổ tiết kiệm vào tài khoản cá nhân của Mai. Sau đó Mai chuyển khoản cho Nguyễn Thái Lực, nhờ rút tiền mặt đưa lại cho Mai. Mai dùng 1,7 tỉ đồng để tất toán khoản vay ngân hàng, 12 tỉ đồng còn lại sử dụng cá nhân. Quá trình này được cơ quan điều tra xác định là hành vi rửa tiền.
Ngày 19/5/2023, chính thức khép lại phiên xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba. TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra phán quyết cuối cùng đối với Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm.
Về phía hình sự, bị cáo Nguyễn Thái Luyện nhận mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bị cáo Võ Thị Thanh Mai lãnh án 23 năm về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Bên cạnh đó, Bị cáo Nguyễn Thái Lực (em bị cáo Luyện) bị phạt 22 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên vợ chồng bị cáo Nguyễn Thái Luyện liên đới bồi thường hơn 2.446 tỉ đồng cho hơn 4.548 bị hại.
Bá Di