Chuyên trách bảo vệ rừng có phải là nghề độc hại, nguy hiểm?

Theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH thì kiểm lâm viên trực tiếp quản lý bảo vệ rừng hoặc làm công việc phòng cháy, chữa cháy rừng được coi là nghề độc hại, nguy hiểm.

Ông Phan Thanh Tùng (Tây Ninh) hỏi, tại sao lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là đơn vị sự nghiệp công lập cũng thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng lại không được quy định nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm?

Trong các đơn vị sự nghiệp được giao quản lý rừng thì viên chức và người lao động trực tiếp triển khai quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thường xuyên phải thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng; thực hiện các công việc ngoài trời, tiếp xúc với khí CO2 khi chữa cháy rừng, thiết kế trồng rừng dễ tiếp xúc với các sinh vật, vi sinh vật gây hại cũng không được quy định là nghề độc hại, nguy hiểm.

Trước đây trong các đơn vị sự nghiệp được giao quản lý rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có trình độ đại học lâm nghiệp, trung cấp lâm nghiệp được xếp chung vào ngạch chuyên viên, cán sự, kỹ thuật viên. Vậy, sau khi học và thi đạt chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng viên (hạng III)  thì việc xếp lương và ưu đãi nghề hoặc có chính sách nào hỗ trợ phần độc hại, nguy hiểm cho các đối tượng này không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Tại Điều 2 Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định: Hằng năm, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động chủ động rà soát, đánh giá Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo phương pháp được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ.

Hiện nay, đã có công việc "Kiểm lâm viên trực tiếp quản lý và bảo vệ rừng" và "Phòng, chống cháy rừng" được quy định trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH. 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin tiếp nhận ý kiến đóng góp của ông Tùng và đồng thời đề nghị ông kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục theo quy định.

Link nội dung: https://pld.net.vn/chuyen-trach-bao-ve-rung-co-phai-la-nghe-doc-hai-nguy-hiem-a13907.html