“Nhùng nhằng” như sách giáo khoa

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các bộ SGK liên tục thay thế, bổ sung để theo kịp chương trình mới và đặc biệt là có những cuốn thuộc dạng… không cần thiết đã gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội…

viec-nhung-nhieu-trong-van-de-cung-cap-va-san-xuat-ban-sgk-la-khong-the-chap-nhan-pld-1692692003.jpg
Việc nhũng nhiễu trong vấn đề cung cấp và sản xuất bản SGK là không thể chấp nhận. Ảnh minh họa

Theo đó, trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhận định, sách giáo khoa (SGK) theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ngoài những mặt tích cực thì còn các hạn chế như xảy ra nhiều sạn, có các ngữ liệu, nội dung không phù hợp, gây bức xúc dư luận.

Giá sách cao gấp 3-4 lần so với sách của chương trình cũ. Vấn đề lựa chọn SGK phức tạp, tập trung vào một hội đồng cấp tỉnh, khiến sách được chọn đôi khi không đúng với mong muốn của giáo viên, học sinh, phụ huynh. Việc lựa chọn sách chậm, dẫn tới đấu thầu, in ấn bị động và thường xuyên SGK mới bị chậm trễ trong việc phát hành.

Đáng nói, điều khiến dư luận xã hội quan tâm là chi phí thị trường, mức chiết khấu trong phát hành SGK cao và chưa minh bạch. Điều này làm nảy sinh lo lắng về “nhóm lợi ích”, khiến gánh nặng giá SGK đè xuống vai người dân.

Mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) SGK theo chương trình mới. Nội dung này được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra khi thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”.

Trong đó, Đoàn giám sát nêu rõ, việc lựa chọn nhiều bộ SGK tạo ra khó khăn trong khâu đặt hàng, bảo đảm cung ứng SGK trước năm học mới. Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại SGK khó tiếp cận kiến thức. Với việc cung ứng, phát hành SGK, Đoàn giám sát chỉ ra nhiều bất cập khi phải qua nhiều khâu trung gian. Tình trạng thiếu SGK diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trước thềm năm học mới. Phụ huynh, học sinh gặp nhiều phiền phức trong việc mua SGK theo kênh phát hành tự do qua hệ thống cửa hàng bán lẻ.

Đáng chú ý, Đoàn giám sát cho rằng, Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn được 1 bộ SGK bằng ngân sách nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước. Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, đã có 36 tỉnh, thành đề nghị nên có 1 bộ SGK để sử dụng chung.

can-som-thanh-tra-viec-to-chuc-bien-soan-pld-1692692003.jpg
Cần sớm thanh tra việc tổ chức biên soạn, duyệt và tỉ lệ chiết khấu SGK một cách nghiêm túc và toàn diện. Ảnh minh họa

Là người gắn bó với giáo dục nhiều năm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, cho biết ông từng trải qua các thời kỳ cải cách giáo dục nhưng chưa bao giờ thấy bỏ qua khâu thử nghiệm, thực nghiệm trước khi triển khai rộng rãi như lần cải cách này. “Một chương trình nhiều bộ SGK nhưng qua thực tiễn cho thấy nhiều bộ giống nhau đến hơn 90%. Điều khác là có sách xếp nội dung này đầu năm, sách khác xếp cuối năm hoặc giữa năm. Cần phải xem xét, những môn như: Thể dục, Âm nhạc… có nhất thiết phải có nhiều SGK hay không. Năm nào học sinh cũng mua mới SGK, số tiền 200 – 300 ngàn đồng đối với nhiều gia đình cũng là rất khó. Vậy nên cần phải có cách làm để tái sử dụng SGK, không nên chỉ dùng một lần rồi bỏ đi, rất lãng phí”, ông Trần Xuân Nhĩ phân tích.

Liên quan tới các đơn vị xuất bản chiết khấu đẩy giá sách ngày càng cao, ông Trần Xuân Nhĩ không đồng thuận với việc trao quyền cho các địa phương chọn sách thay vì giáo viên. Cách làm đó khiến các nhà xuất bản chạy đua, tính toán đủ cách làm sao để các hội đồng quyết định chọn sách của mình. Chiết khấu cao (có khi tới 35%) đã đẩy giá SGK lên cao.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Túc – Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cũng bày tỏ tâm tư khi cho rằng trong giáo dục, xã hội hóa nếu không thận trọng sẽ thành thương mại hóa. Như câu chuyện giá SGK, sách tham khảo hiện nay giá quá cao, quá nhiều loại là có dấu hiệu thương mại hóa. Ông chia sẻ câu chuyện đi họp phụ huynh cho cháu mà thấy khổ vì phải mua rất nhiều sách. “SGK dùng năm nay, năm sau bỏ đi trong khi trước đây một cuốn sách dùng cho bao thế hệ. Đất nước ta còn nghèo. Cần xem đến nơi đến chốn vai trò chỉ đạo của Bộ GDĐT về vấn đề này”, ông Túc nói.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, SGK là nền tảng giáo dục cơ bản của xã hội, việc có một bộ SGK chuẩn chung là rất quan trọng. Việc nhũng nhiễu trong vấn đề cung cấp và sản xuất bản SGK là không thể chấp nhận. Do đó cần sớm thanh tra việc tổ chức biên soạn, duyệt và tỉ lệ chiết khấu SGK một cách nghiêm túc và toàn diện.

Link nội dung: https://pld.net.vn/nhung-nhang-nhu-sach-giao-khoa-a13993.html