Nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp ngành thép, tôn mạ đã chứng kiến sự khó khăn do sụt giảm mạnh nhu cầu, khiến tiêu thụ của các doanh nghiệp chậm, lượng tồn kho tăng. Ngoài ra, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, cộng thêm biến động tăng lãi suất vốn vay và chênh lệch tỷ giá, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh trong giai đoạn này.
Trong báo cáo vừa mới công bố, Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận ròng của Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) có thể cải thiện trong quý 3/2023 nhờ cả sản lượng và lợi nhuận trong quý trước đều thấp. Trong khi đó, lợi nhuận của Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) có thể điều chỉnh so với quý 2 do giá xuất khẩu bình quân thấp hơn.
SSI cho biết, cả hai “ông lớn” ngành tôn mạ này đều đã nhận được đơn đặt hàng trước từ 1-2 tháng. Trong thời gian tới, Hoa Sen sẽ nỗ lực đẩy sản lượng tiêu thụ lên 130.000-140.000 tấn/tháng so với mức trung bình 120.000 tấn trong quý gần đây.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân trong quý 3/2023 có thể thấp hơn so với quý trước do giá thép cuộn cán nóng HRC ở hầu hết các thị trường đã điều chỉnh khoảng 20% kể từ mức đỉnh hồi tháng 3 đầu năm nay.
Ngoài ra, đơn vị này lưu ý rằng mặc dù giá HRC bình quân của Trung Quốc và Việt Nam gần đây phục hồi khoảng 4% trong những tuần gần đây, giá HRC ở Mỹ và châu Âu liên tục giảm.
Hiện khoảng cách giữa giá HRC tại Mỹ/châu Âu và tại Việt Nam theo USD đang thu hẹp khoảng từ 350-700 USD/tấn vào cuối tháng 4/2023 xuống còn 140-340 USD/tấn như hiện tại, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận kênh xuất khẩu trong thời gian tới.
Đáng nói, thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 50% và 60% sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen và Nam Kim.
Ngoài ra, xuất khẩu thép của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất Trung Quốc, với khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 51,2 triệu tấn, nhờ lượng thép tồn kho của Trung Quốc tăng và đồng Nhân dân tệ suy yếu.
SSI cho rằng giá thép đã trải qua khoảng 2 năm điều chỉnh kể từ mức đỉnh năm 2021, do vậy có xu hướng ổn định và hồi phục dần. Tuy nhiên, thời điểm vẫn chưa rõ ràng do nhu cầu toàn cầu yếu và nguồn cung ổn định từ Trung Quốc.
Theo đó, đơn vị này ước tính niên độ 2022-2023 (bắt đầu từ tháng 10/2022 và kết thúc vào tháng 9/2023) Hoa Sen có thể lỗ ròng 75 tỷ đồng, phần lớn là do khoản lỗ 680 tỷ đồng trong quý đầu tiên của niên độ tài chính. Ngoài ra, đơn vi này kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen sẽ giảm 24,4% đạt 1,35 triệu tấn.
Bước sang năm 2024, SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen có thể phục hồi 14% đạt 1,54 triệu tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu dự kiến sẽ tăng lần lượt 20% và 10% đạt 854.000 tấn và 703.000 tấn.
Biên lợi nhuận gộp cả năm 2024 của Hoa Sen được dự báo cải thiện từ 10,1% trong năm 2023 lên mức bình thường là 11,8% nhờ công suất hoạt động tốt hơn và giá nguyên liệu đầu vào giảm, mang lại lợi nhuận gộp là 2,75 triệu đồng/tấn. Con số này gần tương đương với mức trung bình trong lịch sử 5 năm và cao hơn 2,43 triệu đồng/tấn trong năm 2023.
Theo đó, SSI kỳ vọng doanh nghiệp do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch HĐQT sẽ đạt được 558 tỷ đồng lợi nhuận trong năm tài chính tiếp theo.
Với Nam Kim, SSI ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 là 195 tỷ đồng. Năm 2024, đơn vị này kỳ vọng sản lượng tiêu thụ cua Nam Kim sẽ tăng 5%, đạt 928.000 tấn. Trong đó, sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sẽ lần lượt tăng 10% và 2%, đạt 369.000 tấn và 558.000 tấn.
Đồng thời, biên lợi nhuận gộp kỳ vọng cải thiện nhẹ từ 7,1% lên 7,5% nhờ chi phí đầu vào điều chỉnh nhẹ. Theo đó, lợi nhuận ròng năm 2024 của Nam Kim dự kiến tăng 32% lên 257 tỷ đồng.
Hiện tại, Hoa Sen tiếp tục là đơn vị có thị phần tiêu thụ tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đứng đầu ngành với 26,9% trong 7 tháng đầu năm. Trong khi đó, Nam Kim xếp thứ 3 với 17,9% thị phần ở mảng này, sau Tôn Đông Á.
Thiên An
Link nội dung: https://pld.net.vn/di-qua-con-bi-cuc-loi-nhuan-cua-hoa-sen-nam-kim-duoc-du-bao-ra-sao-trong-cac-quy-toi-a14015.html