Chuyện này nói lên nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Rõ ràng, những bức xúc trong đời sống nhân dân vẫn còn rất nhiều. Người dân muốn phản ánh lên cấp cao nhất ở địa phương để mong nhận được sự chỉ đạo, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
Thế nên, khi chủ tịch UBND tỉnh công bố số điện thoại “nóng”, người dân được dịp phản ánh ngay, phản ánh liên tục, phản ánh dồn dập. Việc người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh ở một số địa phương mạnh dạn công bố số điện thoại “nóng” để được trực tiếp nghe dân nói đã thể hiện tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Nhờ đó, không ít vụ việc hồ sơ, thủ tục hành chính ở cơ sở bị “treo” quá lâu gây bức xúc trong dân đã được chỉ đạo giải quyết ngay. Đó là điều rất đáng hoan nghênh. Thông qua nhiều cuộc gọi, lãnh đạo tỉnh mới biết có những sự việc gây bức xúc kéo dài trong dân hoàn toàn không phải do cơ chế, chính sách, mà chủ yếu là do cán bộ cấp dưới quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Câu chuyện này cũng đã làm lộ ra nhiều khoảng trống trong thực hiện chức trách công vụ của không ít cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ sát dân, gần dân-những người chịu trách nhiệm trực tiếp giải quyết những bức xúc, kiến nghị, đề xuất... từ dân. Để cho người dân ở các thôn, ấp, khu phố phải “cầu cứu” đến chủ tịch UBND tỉnh với số lượng hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày, chứng tỏ ở nhiều địa phương, một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở chưa làm tròn trách nhiệm.
Qua chuyện này cũng cần nhìn thẳng để nói thật với nhau rằng, việc áp dụng các hình thức mang tính linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... của công bộc các cấp là vô cùng quan trọng và cần thiết. Cái đích cuối cùng chúng ta hướng đến chính là tính hiệu quả, là để phục vụ dân, chăm lo cho dân tốt hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng số điện thoại “nóng” để trực tiếp nghe dân phản ánh những bức xúc trong cuộc sống, không phải ở đâu và lúc nào cũng có thể áp dụng.
Ở cương vị người đứng đầu cấp tỉnh, chức năng chính là công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành chứ không phải và không thể là người trực tiếp đi giải quyết các vụ việc cụ thể ở cơ sở. Thế nên, nếu hằng ngày phải nghe cả chục, cả trăm cuộc gọi, cán bộ còn thời gian đâu để giải quyết các công việc khác. Chuyển số điện thoại “nóng” ấy cho cơ quan tham mưu, giúp việc cũng là lẽ đương nhiên.
Nói như thế không có nghĩa chuyện “nóng” đã bị “nguội” hoàn toàn. Cái sự “nóng” ấy vẫn còn rất... “nóng” trong nhiều khía cạnh, lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông tin cần được phản ánh ở trong dân rất nhiều và nó chưa bao giờ là chuyện cũ.
Đó là nhu cầu chính đáng của người dân. Lắng nghe, giải quyết, đáp ứng niềm mong đợi của dân là trách nhiệm, bổn phận của công bộc. Thế nên, cái “nóng” từ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp Trung ương rất cần thiết được “chuyển lửa” cho cơ sở.
Nếu như người đứng đầu cấp xã, huyện, ban, ngành... ở các địa phương làm theo cách này, mạnh dạn cung cấp số điện thoại “nóng” để tiếp nhận phản ánh, giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng từ người dân thì chắc chắn chẳng có ai lại đi gọi điện cho chủ tịch UBND tỉnh và cán bộ Trung ương.
Có những bất cập như trên là bởi trên “nóng” và rất muốn nó “nóng” hơn nữa, nhưng dưới thì vẫn còn “nguội”, nếu không muốn nói là ở nhiều nơi, nó còn rất...“lạnh”!
Link nội dung: https://pld.net.vn/nhin-thang-noi-that-nong-nguoi-va-lanh-a14064.html