Những cú bắt tay trong lĩnh vực xe máy điện với các ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam

Xu hướng các nền tảng gọi xe công nghệ bắt tay cùng các nhà sản xuất, đưa xe máy điện vào các dịch vụ gọi xe và giao hàng đang trở nên nóng tại Việt Nam với những kế hoạch hợp tác lâu dài và bài bản.

Ngay sau cú bắt tay gần đây của Dat Bike với Gojek sử dụng xe máy điện trong việc di chuyển và giao đồ ăn, người ta tiếp tục được chứng kiến một dịch vụ khác bằng xe máy điện, lần này là của GSM. Theo đó, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập chính thức triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện, Xanh SM Bike tại Hà Nội.

ctcp-di-chuyen-xanh-va-thong-minh-pld-1692947541.jpg
CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) ra mắt Xanh SM Bike tại Hà Nội.

Theo công ty, dòng xe được sử dụng đồng bộ ban đầu là VinFast Feliz S. Dự kiến giai đoạn tiếp theo Xanh SM sẽ bổ sung thêm mẫu VinFast Evo200, đồng thời đặt mục tiêu phủ sóng 5 tỉnh thành trong năm nay, với số lượng lên đến 60.000 xe.

Trên thực tế, Xanh SM Bike được ra mắt chỉ 4 tháng sau khi GSM triển khai dịch vụ Xanh SM Taxi và Xanh SM Luxury với nhiều kết quả tích cực. 10 tuần kể từ khi đi vào hoạt động, dịch vụ taxi điện của GSM cán mốc 1 triệu chuyến, mở rộng tới 5 thành phố, đồng thời công ty cũng bắt tay với 14 đối tác để họ chuyển sang sử dụng xe điện.

Vậy là sau khi Dat Bike, một hãng xe điện khác của Việt Nam bắt tay với Gojek vào hồi tháng 5 để triển khai dịch vụ chở khách, giao đồ ăn và giao hàng bằng dòng xe Weaver++, khách hàng tại Việt Nam tiếp tục được sử dụng các dịch vụ “xe ôm điện” với Xanh SM Bike của GSM.

Đáng chú ý, ngay cả Dat Bike và GSM cũng không phải đơn vị đầu tiên triển khai xe máy điện cho các dịch vụ gọi xe và giao hàng tại Việt Nam. Cũng với những chiếc Feliz S do VinFast cung cấp, AhaMove, một nền tảng giao hàng đã cho ra mắt dịch vụ này tại Đà Nẵng từ hồi tháng 11 năm ngoái, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của công ty thay vì tập trung vận chuyển hàng hóa như trước đây.

truoc-do-dat-bike-cung-da-bat-tay-cung-gojek-pld-1692947541.jpg
Trước đó, Dat Bike cũng đã bắt tay cùng Gojek cho những dịch vụ di chuyển và giao hàng.

Tới tháng 3/2023, AhaMove nhận bàn giao 200 chiếc VinFast Feliz S để đưa vào vận hành dịch vụ cho thuê xe điện (EV Rental) ở Đà Nẵng thông qua website công ty hoặc ứng dụng AhaMove, đồng thời xúc tiến hợp đồng thuê 1.000 xe máy điện từ GSM để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tháng 5 vừa qua, Selex Motors cũng thông báo cùng GrabExpress, một đơn vị giao hàng của gã khổng lồ gọi xe Grab, mở rộng thí điểm sử dụng xe máy điện vào giao vận tại TP. HCM. Theo hãng xe máy điện Selex Motors, việc sử dụng giải pháp giao hàng mới sẽ giúp các tài xế tiết kiệm 30-35% chi phí so với xe xăng. Không những vậy, Selex Motors còn trở thành đối tác thí điểm chuyển đổi sang xe máy điện của nhiều đơn vị lớn như Lazada, Viettel Post, DHL,..Và trước đó không lâu, Selex Motors cũng bắt tay với ứng dụng Baemin để thí điểm hoạt động giao đồ ăn.

Nhìn rộng ra khu vực, việc sử dụng xe máy điện trong các ứng dụng gọi xe và giao hàng không chỉ nóng ở Việt Nam, mà nó còn là một trong những xu hướng nổi bật trong thời gian gần đây tại khu vực Đông Nam Á.

su-ket-hop-cua-cac-nha-san-xuat-xe-may-dien-pld-1692947541.jpg
Sự kết hợp của các nhà sản xuất xe máy điện và các nền tảng gọi xe công nghệ sẽ đem lại những hiệu quả tốt về môi trường.

Tại Indonesia, Electrum một thương hiệu xe máy điện đã được sự hậu thuẫn bởi gã khổng lồ gọi xe Gojek. Công ty đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Tây Java vào tháng 7 vừa qua. Nhà máy ban đầu dự kiến sản xuất 250.000 chiếc mỗi năm và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2024. Theo báo cáo địa phương, công ty có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 4 đến 5 năm tới.

Bên cạnh đó, hãng Gogoro của Đài Loan, thương hiệu được mệnh danh là “Tesla của xe máy điện”, cũng đã thành lập liên minh chiến lược với Gojek và đang gấp rút phát triển hệ sinh thái cho “xe ôm điện” ở Indonesia.

Trong khi đó, tại Thái Lan, gã khổng lồ gọi xe Grab cũng đã bắt tay hãng SWAG EV để ra mắt “Grab Green Wheels X SWAG”, thúc đẩy việc sử dụng xe máy điện trong dịch vụ giao đồ ăn của mình từ thời điểm năm 2020. Và ngay cả các công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước như Bangchak và PTT cũng đang kinh doanh dịch vụ cho thuê xe máy điện.

Theo Statista, xe máy điện mới chỉ chiếm chưa đến 1% thị trường ở Đông Nam Á tính đến hết năm 2022. Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc là khoảng 20%, quốc gia cũng đang dẫn đầu phần còn lại của thế giới về xe bốn bánh chạy điện. Điều này cũng cho thấy thị trường nơi đây vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Hy vọng, với sự gia nhập rầm rộ gần đây của các thương hiệu xe máy điện cùng các ứng dụng gọi xe và giao hàng, trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những chiếc xe máy điện thay thế xe máy chạy bằng nhiên liêu trên các đường phố tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc và giá cả đắt đỏ, cao hơn khoảng 30% đến 50% so với xe máy xăng thông thường, đó sẽ là những thách thức không nhỏ với sự phổ biến của xe máy điện tại Việt Nam trong tương lai.

Link nội dung: https://pld.net.vn/nhung-cu-bat-tay-trong-linh-vuc-xe-may-dien-voi-cac-ung-dung-goi-xe-cong-nghe-tai-viet-nam-a14076.html