Theo đó, bằng cách thay thế một phần cát bằng bã cà phê đã qua sử dụng có thể giúp bê tông cứng hơn đến 30% so với cách sản xuất thông thường. Đây là một trong những công bố mới nhất của nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT (Australia).
Nhóm nghiên cứu này cho biết, bã cà phê đã qua sử dụng có thể được sử dụng làm chất thay thế cát trong quy trình sản xuất bê tông. Khi được trộn với tỷ lệ thích hợp sẽ mang lại liên kết hóa học mạnh hơn đáng kể so với cát đơn thuần.
Cụ thể, họ đã chuyển đổi bã cà phê thành than sinh học rồi sử dụng nguyên liệu này để thay thế một phần cát cần thiết để sản xuất bê tông. Quá trình này bao gồm việc đun nóng chất thải cà phê đến khoảng 350 độ C để tạo than sinh học.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc thay thế 15% lượng cát thường được sử dụng trong bê tông bằng than sinh học cà phê đã tăng cường độ bền của bê tông lên 29,3%.
Tiến sĩ Shannon Kilmartin-Lynch, đồng chủ trì nghiên cứu này khẳng định ý tưởng xuất phát từ mong muốn giảm thiểu phế phẩm từ cà phê.
Nhóm nhà nghiên cứu đang hợp tác với chính quyền địa phương về các dự án cơ sở hạ tầng trong tương lai như xây dựng lối đi và vỉa hè. Họ lập luận rằng kỹ thuật này có thể mang lại lợi ích cho môi trường bởi nó giúp giảm lượng bã cà phê đưa đi chôn lấp cũng như giảm nhu cầu về cát tự nhiên sử dụng trong ngành xây dựng.
Theo Nghiên cứu khả thi Chiến lược rác thải Thực phẩm Quốc gia Australia, rác thải thực phẩm chiếm khoảng 3% lượng khí thải nhà kính hàng năm của nước này. Bên cạnh đó, Australia thải ra khoảng 75.000 tấn phế phẩm cà phê mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu ước tính nếu tất cả bã cà phê thải loại ở Australia mỗi năm được chuyển đổi thành than sinh học thì khối lượng thu được sẽ vào khoảng 22.500 tấn.
Thiên An
Link nội dung: https://pld.net.vn/loai-phe-pham-cua-thu-do-uong-quen-thuoc-co-the-giup-be-tong-cung-hon-gap-boi-a14086.html