Khắc phục bất cập trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề

Tình trạng ô nhiễm làng nghề tại Hà Nội diễn ra qua nhiều năm qua gây nhiều hệ lụy về môi trường và sức khỏe của người dân. Trong khi chính quyền các cấp và Hội làng nghề nhiều địa phương còn đang loay hoay với bài toán xử lý ô nhiễm môi trường đi liền với giữ được phương thức sản xuất thủ công truyền thống, thì một số làng nghề đã tìm ra hướng đi mới trong phát triển gắn với các biện pháp giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường hiệu quả, bền vững.

rac-thai-cua-lang-nghe-lam-chan-ga-goi-dem-trat-cau-pld-1693230064.jpg
Rác thải của làng nghề làm chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu (huyện Thường Tín, Hà Nội) đổ ra bờ sông Nhuệ.

Bài 1: Bất cập trong quản lý môi trường

Sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã và đang góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất, một số làng nghề đã bộc lộ những yếu kém, đáng chú ý là những hệ lụy về ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và đời sống, sức khỏe của cư dân làng nghề.

Hầu hết các làng nghề không có trạm xử lý chất thải

Hà Nội hiện là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 806 làng nghề và làng có nghề, phân bố tại 23 quận, huyện và thị xã. Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề nhìn chung có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu.

Do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật sản xuất cho nên tại các làng nghề chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống với lực lượng lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất. Hơn 70% số làng nghề nằm xen kẽ tại các khu dân cư, khiến tình trạng ô nhiễm nước thải tại các làng nghề tiếp tục gia tăng.

Tại huyện Phú Xuyên có nhiều làng nghề và phân bố không tập trung, với nhiều loại chất thải khác nhau gây khó khăn cho công tác thu gom và xử lý. Tại thôn Bái Đô, xã Tri Thủy có khoảng 31 hộ giết mổ gia súc và thôn Sảo Hạ, xã Quang Lãng có khoảng 15 hộ giết mổ gia súc. Tại hai làng nghề này do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, phần lớn chất thải rắn, nước thải từ hoạt động giết mổ xả thẳng xuống hệ thống kênh, mương thoát nước ngay trong khu dân cư, làm ách tắc dòng chảy, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên, hằng năm, Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn huyện, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề… Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một trong những nguyên nhân là do nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, cho nên chưa thể đưa ra những giải pháp triệt để như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hay có chế tài xử phạt đủ mạnh nhằm giảm tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề ra môi trường sống.

Có mặt tại thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, Hà Nội), điều dễ nhận thấy nghề làm chăn, ga, gối, đệm ở đây ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do khói đốt chất thải tại địa phương cũng diễn ra gần 10 năm qua.

Theo quy định, chất thải rắn nguy hại tại các làng nghề phải được thu gom, vận chuyển đi xử lý. Nhưng do chi phí cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn làng nghề cao, để giảm chi phí, người dân Trát Cầu chọn giải pháp đốt hoặc đổ chất thải làng nghề lẫn vào rác thải sinh hoạt. Theo phản ánh, từ sáng đến tối, ở địa phương này luôn trong tình trạng rực lửa, khói bụi nghi ngút cùng mùi khét lẹt "tỏa" ra do việc đốt vải vụn, bông ép phát sinh trong quá trình sản xuất.

Nhằm hạn chế việc đốt chất thải rắn, Ủy ban nhân dân xã Tiền Phong đã giao cho cán bộ thôn có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, xử lý việc đốt chất thải tại một số điểm tập kết rác thải và một số tuyến đường giao thông nội đồng, đê sông Nhuệ nhưng không hiệu quả.

Một người dân ở thôn Thượng Cung bức xúc cho biết: "Những ngày ẩm ướt, chất thải rắn đốt cháy âm ỉ cả ngày cho nên không khí rất ngột ngạt. Mặc dù tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân xã hay tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo xã, huyện sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng đốt chất thải tùy tiện, hoặc sớm có giải pháp đầu tư xây dựng lò đốt rác thải cho làng nghề nhằm giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc đốt rác thải vẫn diễn ra thường xuyên".

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín, quá trình sản xuất tại làng nghề phát sinh ra chất thải là điều khó tránh khỏi. Do vậy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện rất quan tâm và đưa ra giải pháp xây dựng điểm xử lý rác thải làng nghề theo hướng kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp nào mặn mà với đề án này.

Đến làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, một làng cổ thuộc huyện Hoài Đức, nổi tiếng với nghề tạc tượng, hoành phi câu đối từ lâu đời. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Đồng Nguyễn Viết Hùng cho biết, đến nay làng nghề có tới hơn 4.000 lao động thường xuyên, với khoảng 500 hộ chuyên sản xuất, thu hút khoảng hơn 1.000 lao động ở các địa phương đến học nghề và làm các công đoạn phụ. Sản phẩm mỹ nghệ truyền thống của làng nghề Sơn Đồng có uy tín và thương hiệu có mặt ở khắp trong nước và nước ngoài. Thị phần tác phẩm, sản phẩm tượng, đồ thờ điêu khắc thếp vàng, bạc truyền thống của làng nghề Sơn Đồng chiếm hơn 65% toàn quốc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, làng nghề Sơn Đồng đang chịu những ảnh hưởng về môi trường (như tiếng ồn, mùi sơn…) do việc sản xuất mặt hàng truyền thống này nằm trong khu dân cư. Chưa kể, nhiều năm nay hàng nghìn hộ dân nơi đây phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ làng nghề lân cận.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Đồng chia sẻ, nhằm tránh ô nhiễm khu dân cư sinh sống, từ năm 2008, địa phương đã có dự án quy hoạch phát triển làng nghề bền vững gắn với du lịch. Tuy nhiên, do vướng mắc ở nhiều khâu, trong đó có việc làng được chuyển về Hà Nội, cho nên mặc dù dự án đã được lập lại, nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp thành phố phê duyệt. Cách Sơn Đồng không xa là làng nghề Dương Liễu, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), hiện toàn xã có gần 70 doanh nghiệp đóng trên địa bàn, cộng thêm hàng trăm hộ gia đình sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm, phần lớn không có công trình xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn, đã khiến môi trường ô nhiễm. Dù đã có nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000 m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của các làng nghề này.

Cần hoàn thiện phương án bảo vệ môi trường

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện hiện có 53 làng nghề, với đặc trưng là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiết bị đơn giản, thủ công, mặt bằng sản xuất hạn chế, việc đầu tư xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường như xử lý, giảm chất thải từ quá trình sản xuất không được quan tâm... Ủy ban nhân dân huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường.

Trước tình trạng này, người dân Hoài Đức kiến nghị thành phố sớm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, Vân Canh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cụm công nghiệp làng nghề, khu chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, chất thải đồng bộ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hộ làm nghề cần đổi mới công nghệ, trang thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực sản xuất và giảm đến mức thấp nhất việc xả rác thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần sớm trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho người dân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước tình trạng ô nhiễm nặng nề tại các làng nghề nêu trên, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực "vào cuộc" để tìm cách xử lý, nhiều giải pháp được đề ra, trong đó có việc xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung, di dời các cơ sở sản xuất vào các điểm công nghiệp, cụm công nghiệp… Thế nhưng đến nay, việc xử lý ô nhiễm làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội vẫn gần như giậm chân tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề nhức nhối như hiện nay là do cơ chế quản lý chồng chéo, từ cấp xã, huyện đến các sở, ngành. Vòng tuần hoàn ô nhiễm xuất phát từ người dân thiếu ý thức, cấp xã thiếu cán bộ phụ trách đến cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường và cơ quan quản lý làng nghề chưa có tiếng nói chung. Cơ quan quản lý môi trường vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, phổ biến (chưa tiến hành kiểm tra quyết liệt, xử lý triệt để). Đó là chưa kể đến thiếu sự đồng thuận, chung sức của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý làng nghề.

Thông tin với báo chí, bà Trần Thùy Linh, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: "Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề thật sự là rất khó khăn, như tại nhiều diễn đàn, chúng tôi đã khẳng định, để giải quyết ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, chúng ta cần 5-10 năm thì giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, chúng ta cần gấp 3 lần thời gian như thế và cần có quyết tâm cao độ".

Theo bà Linh, chúng ta vẫn phải nhất quán nguyên tắc là cơ sở phải tự xử lý lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, nhưng các quy định hiện nay có một sự phân biệt giữa hai nhóm đối tượng; Nhóm thứ nhất: Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển (là nhóm sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, các ngành nghề chủ yếu là truyền thống...) thì tuân thủ các điều kiện cơ bản tối thiểu nhằm duy trì chất lượng môi trường. Nhóm thứ hai: Các cơ sở còn lại thì phải tuân thủ đầy đủ các trách nhiệm về bảo vệ môi trường như với cơ sở sản xuất khác.

"Mỗi làng nghề cần có phương án bảo vệ môi trường do xã xây dựng, trình huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện, huyện chịu trách nhiệm phân bổ kinh phí và chỉ đạo việc thực hiện phương án bảo vệ môi trường này, thành phố có trách nhiệm xác định các làng nghề bị ô nhiễm và đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm cho làng nghề…", bà Linh chia sẻ.

Mặc dù quy trình tuần tự là vậy, thế nhưng trách nhiệm của các đơn vị vẫn chưa được làm rõ, trách nhiệm quản lý của lãnh đạo địa phương vẫn bị "bỏ quên". Vậy đến bao giờ những làng nghề bị ô nhiễm được giải cứu? Với nhiều cấp quản lý như hiện nay, tại sao quản lý hoạt động làng nghề và kiểm soát công tác bảo vệ môi trường vẫn rơi vào tình trạng "bất lực"?

Đó còn chưa kể đến chuyện "đùn đẩy" trách nhiệm của các cơ quan và ngành chức năng trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm tại làng nghề. Về thanh tra, kiểm tra, có hai cơ quan có trách nhiệm trực tiếp xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở trong làng nghề là cơ quan chuyên ngành thanh tra môi trường các cấp và lực lượng cảnh sát môi trường. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện còn nhiều bất cập.

(Còn nữa)

Link nội dung: https://pld.net.vn/khac-phuc-bat-cap-trong-cong-tac-bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-a14128.html