Loại hình nhà ở này xuất hiện khi Nghị định 71/2010 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) ra đời, bắt đầu cho phép phát triển nhà ở riêng lẻ được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ. Từ thời điểm đó, chung cư mini mọc lên nhan nhản như “nấm sau mưa”.
Tuy nhiên, cũng vì để tối đa hóa lợi nhuận mà rất nhiều công trình dạng này xây sai phép, ví dụ như: xây quá số tầng, chia diện tích, số lượng các căn hộ trong một tầng nhỏ hơn giấy phép… Cũng chính vì việc xây dựng không đúng theo các quy định của pháp luật nên cho dù ra đời cả chục năm nay nhưng vẫn rất nhiều chung cư mini chưa được cấp sổ hồng.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội HoREA, Luật nhà ở 2014 quy định: Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.
Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
“Quy định này đang dẫn đến tình trạng xây dựng tràn lan các “chung cư mini” tại các đô thị lớn, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị, gây mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như thiếu các tiện ích, dịch vụ phục vụ cư dân, mà lẽ ra loại nhà này chỉ nên cho phép kinh doanh cho thuê nhà”, ông Châu cho hay.
HoREA cho rằng, rất cần thiết bãi bỏ nội dung quy định: “Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó”.
Theo đó, HoREA kiến nghị sửa nội dung về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại từ “Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở (…); chuyển thành "Có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai".
Đồng thời HoREA đề nghị sửa Điều 110 Luật Nhà ở 2014, tất cả (100%) chủ sở hữu nhà thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới sang thành 2/3 chủ sở hữu thống nhất thì sẽ phá dỡ để xây dựng lại. HoREA cho rằng, quy định 100% chủ sở hữu đồng ý mới được phá dỡ xây dựng lại đang gây cản trở việc cải tạo nhà chung cư cũ đang xuống cấp, ảnh hưởng đời sống nhiều hộ gia đình.
Để kiểm soát tình trạng phát triển tự phát “chung cư mini” làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị và không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, HoREA thống nhất với Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành chức năng tăng cường phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Đặc biệt là các công trình nhà ở riêng lẻ kiểu “chung cư mini” có nhiều tầng, nhiều căn hộ, có vi phạm các quy định pháp luật, như: xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian, hoặc không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hoặc xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng... đi đôi với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại nhà này.
Như vậy, nếu các góp ý của HoREA được chấp thuận sẽ mở thêm cơ hội phát triển phát triển nhà ở thương mại nhờ mở rộng đối tượng đất được chuyển đổi, mở rộng hành lang pháp lý nhà chung cư và giảm tình trạng mọc tràn lan các chung cư mini.
Quỳnh Chi
Link nội dung: https://pld.net.vn/horea-can-siet-chat-quan-ly-tinh-trang-no-ro-chung-cu-mini-a1414.html