Vì sao cuộc gọi rác vẫn “quấy rối” người dùng?

Lý giải về tình trạng người dùng vẫn bị tra tấn bởi tin nhắn, cuộc gọi rác, chuyên gia cho rằng, do việc mua sim rác hiện vẫn còn dễ dàng tại các cửa hàng, đại lý, thậm chí cả trên mạng xã hội.

nhieu-nguoi-phan-anh-ho-van-met-moi-vi-bi-hanh-ha-boi-cac-cuoc-goi-rac-bat-ke-gio-giac-pld-1693498100.png
Nhiều người phản ánh họ vẫn mệt mỏi vì bị hành hạ bởi các cuộc gọi rác bất kể giờ giấc. Ảnh minh họa

Theo đó, sau đợt rà soát, đăng ký SIM điện thoại chính chủ mới nhất, tin nhắn, cuộc gọi rác tưởng như sẽ bị triệt tiêu và người dùng điện thoại di động không còn bị làm phiền. Thế nhưng nhiều người phản ánh họ vẫn mệt mỏi vì bị hành hạ bởi các cuộc gọi rác bất kể giờ giấc.

Cứ cách vài ngày, anh Đinh Xuân Toàn (38 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) lại nhận được các cuộc gọi với đầu số lạ. “Hết cuộc gọi giới thiệu là nhân viên các công ty đang phát triển thương hiệu trên sàn thương mại tuyển cộng tác viên bán hàng đến thông báo trúng thường mini game,… Không chỉ gọi điện làm phiền, những người này còn liên tiếp gửi tin nhắn và những đường link lạ và yêu cầu làm theo hướng dẫn”, anh Toàn chia sẻ và cho biết đã chặn hết các số lạ này, đồng thời không làm theo yêu cầu của các tin nhắn rác, không truy cập vào những đường link được gửi, tuy nhiên, cứ chặn số này thì một thời gian sau lại có số khác gọi tới làm phiền. Dù khó chịu cũng không làm được gì.

Không chỉ nhận những cuộc gọi, anh Lê Duy Tùng (Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, trong hộp thư tin nhắn mỗi ngày đều liên tục nhận những tin nhắn rác từ nhiều đầu số khác nhau. Nội dung tin nhắn thường là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo có tên gần giống website chính thức của các ngân hàng, tổ chức. “Đôi lúc còn có những tin nhắn công khai dụ dỗ cá cược phi pháp, làm giấy tờ, bằng cấp giả,…”, anh Tùng chia sẻ.

Nhận định về lý do thực tế khiến tình trạng này vẫn tái diễn dai dẳng, chưa có hồi kết, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân là việc mua sim rác vẫn còn rất dễ dàng tại các cửa hàng, đại lý, thậm chí cả trên mạng xã hội.

Đáng nói hơn, theo các chuyên gia, bên cạnh các sim điện thoại truyền thống, các địa chỉ IP nước ngoài cũng cho phép tạo tài khoản và tạo cuộc gọi không khác gì cuộc gọi thường nhưng không chịu sự quản lý, giám sát của các nhà mạng tại Việt Nam. Đây cũng là một thách thức với các cơ quan quản lý.

Xung quanh vấn đề này, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nói thẳng: “Khi cơ quan quản lý đưa ra giải pháp thu hồi SIM không chính chủ, tôi đã dự báo phương cách này không xử lý được nạn tin nhắn rác bởi lô SIM này đã cũ, không còn sử dụng trong thời gian dài. Các đối tượng rải “spam” điện thoại, tin nhắn đã thay đổi số khác và cách thức khác. Để khắc phục triệt để hành vi làm phiền người dùng điện thoại, chỉ có thể phạt thật nặng các đại lý vi phạm và các doanh nghiệp viễn thông để xảy ra tình trạng này. SIM rác, SIM khuyến mãi vẫn là nguồn thu rất lớn của các nhà mạng, do đó để cho họ tự “đạp đổ” nồi cơm của mình là rất khó”, ông Thắng nêu quan điểm.

du-co-quan-chuc-nang-da-co-nhieu-no-luc-de-ngan-chan-tinh-trang-nay-pld-1693498100.jpg
Dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này, tuy nhiên sự cảnh giác của người dân vẫn là điều tối quan trọng. Ảnh minh họa

Cũng trao đổi về nội dung này, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty An ninh mạng NCS, phân tích: “Khác với các cuộc gọi lừa đảo là người cần phải ẩn danh để tránh bị xử lý, các cuộc gọi rác, tin nhắn rác hiện tại thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ. Gần đây, kẻ lừa đảo chuyển sang dùng các nền tảng OTT. Với các nền tảng này, chúng có thể tạo hoặc mua tài khoản của người khác để thực hiện cuộc gọi cho các nạn nhân. Với hình thức giả vờ làm quen, khó có thể nhận định chính xác vì chưa biết rõ mục đích của họ là gì. Tuy nhiên, với những hiện tượng đáng ngờ từ các số điện thoại lạ, người dùng nên cảnh giác vì có thể bị dẫn dụ sập bẫy lừa tiền hoặc chào mời các dịch vụ vi phạm pháp luật”.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP.HCM đã cảnh báo hình thức giả mạo trạm phát sóng di động (trạm BTS) để gửi tin nhắn có nội dung lừa đảo đến người dân. Theo PA05, hành vi tán phát tin nhắn hàng loạt thông qua thiết bị giả trạm BTS là xâm phạm trái phép vào mạng viễn thông, sẽ bị xử lý về “tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.

Mục đích chính của các tổ chức thực hiện hành vi này là phát tán tin nhắn có nội dung quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bị cấm, đặc biệt là lôi kéo, dẫn dụ người nhận tin nhắn truy cập vào trang web do tổ chức này tạo ra (theo đường link chỉ định) để cài mã độc đánh cắp thông tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình như giả mạo tin nhắn thương hiệu của các tổ chức ngân hàng, nhà mạng; quảng cáo dịch vụ đồi trụy, mại dâm; quảng cáo đánh bạc trực tuyến.

Theo các chuyên gia, dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này, tuy nhiên sự cảnh giác của người dân vẫn là điều tối quan trọng. Chuyên gia cũng khuyến cáo, khi nhận được tin nhắn quảng cáo nào mang tính chất lừa đảo, kiếm tiền, đầu tư hay bất kỳ sự nghi ngờ nào, người dùng cần phải chặn ngay số điện thoại và chuyển thông tin đó lên trang web chongthurac.vn của Chính phủ.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dùng cũng phải trang bị đầy đủ các kiến thức, phải hiểu rõ rằng khi đăng tải những thông tin cá nhân lên mạng xã hội nguy hiểm như thế nào, cùng với đó nâng cao nhận thức về cách xử lý khi nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác, sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để truy vết ra các đối tượng lừa đảo.

Link nội dung: https://pld.net.vn/vi-sao-cuoc-goi-rac-van-quay-roi-nguoi-dung-a14190.html