Đại gia ô tô “made in Vietnam” một thời Vinaxuki phá sản, ngân hàng miệt mài thu hồi nợ

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) Sở giao dịch vừa phát đi thông báo bán tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) chi nhánh Đắk Nông.

day-la-lan-thu-6-vietcombank-rao-ban-tai-san-pld-1693901678.png

Đây là lần thứ 6 Vietcombank rao bán tài sản này sau 5 lần không thành. Mức giá khởi điểm cho các tài sản đảm bảo này là 4,092 tỷ đồng, giảm 455 triệu đồng so với lần đấu giá gần nhất.

Các tài sản đảm bảo cho khoản vay của Vinaxuki chi nhánh Đắk Nông hiện đang được đặt tại thôn 15, xã Đắk Drông, huyện Cư Jứt, tỉnh Đắk Nông, bao gồm: 2 lò bằng hoàn nguyên luyện Antimon công suất 100 tấn/ngày; 1 lò luyện Antimon công suất 100 tấn/ngày; 1 dây chuyền tuyển quặng Antimon công suất 130 tấn/ngày; máy nghiền bi ướt, máy cấp liệu rung điện tử, máy phân cấp xoắn ốc, máy sàng bàn, máy tuyển từ, máy đập hàm mịn, bộ hàm dự phòng; thiết bị tuyển quặng Antimon, công suất 110 tấn/ngày; 1 dây chuyền tuyển quặng Antimon - tuyển nổi, trọng lực công suất 100 tấn/ngày.

Vietcombank cũng rao bán lần thứ 3 toàn bộ hệ thống máy luyện Antimon của Vinaxuki tại địa chỉ trên với giá khởi điểm 281,833 triệu đồng, giảm 100 triệu đồng so với lần đấu giá gần nhất.

Vào tháng 9/2022, Vietcombank Chi nhánh Thăng Long cũng từng rao bán toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị tại Nhà máy sản xuất ô tô số 1 thuộc chi nhán Vinaxuki tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Giá khởi điểm cho khối tài sản đảm bảo này là 33,128 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank Thăng Long từng nhiều lần rao bán hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của Công ty TNHH MTV Ô tô Vinaxuki tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ mức giá ban đầu 44,3 tỷ đồng, ngân hàng đã giảm xuống hơn 20 tỷ đồng cho khối tài sản này nhưng vẫn không có người mua.

Năm 2020, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo đấu giá tài sản là khoản nợ của Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Thái Nguyên với giá khởi điểm chào bán là 1.351 tỷ đồng.

Đây là khoản nợ đã được ngân hàng giải ngân cho Vinaxuki và Nhà máy tại Thái Nguyên từ những năm trước đó. Tính đến giữa tháng 9/2019, tổng dư nợ gốc và lãi của khoản vay này là 1.265 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, tổng diện tích đất là hơn 138.814m2. Cùng với đó là máy móc thiết bị tại nhà máy Vinaxuki Mê Linh; quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (Đắk Nông); tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên.

Vào đầu năm 2004, Vinaxuki tiến hành xây dựng Nhà máy Ô tô tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm. Trong giai đoạn 2006-2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Từ khi hoạt động, nhà máy đều có lãi; sau 3 năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng.

Giai đoạn từ 2006-2009 là “thời hoàng kim” của Vinaxuki. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, khi ấy chỉ cần nhập linh kiện về lắp ráp ô tô, sản xuất một số chủng loại thùng xe tải, không đòi hỏi công nghệ cao nhưng cho lợi nhuận khủng. Năm thấp nhất Vinaxuki cũng lãi 90 tỷ đồng, năm cao nhất lãi tới 160 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2012 giấc mơ xe Việt của người đàn ông này chính thức phá sản khi Vinaxuki nợ ngân hàng gần 1.500 tỷ đồng. Ông Huyên đã phải bán nhà cửa để lấy tiền trả lãi ngân hàng với mong muốn được ngân hàng tái cơ cấu các khoản nợ. Các ngân hàng đều không dám mạo hiểm tiếp tục cho Vinaxuki vay vốn và yêu cầu công ty bàn giao tài sản đảm bảo.

Anh Mai

Link nội dung: https://pld.net.vn/dai-gia-o-to-made-in-vietnam-mot-thoi-vinaxuki-pha-san-ngan-hang-miet-mai-thu-hoi-no-a14280.html