Vướng công nợ hơn 2.200 tỷ khó đòi với Hòa Bình và một loạt chủ đầu tư khác, SMC phấn đấu không lỗ cuối năm

Bên cạnh lực cầu yếu do hoạt động xây dựng dân dụng suy giảm, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC còn đối mặt với công nợ tồn đọng khó đòi từ các chủ đầu tư.

Phấn đấu không lỗ cuối năm 2023

Bất động sản là lĩnh vực then chốt ảnh hưởng đến hàng chục ngành nghề khác. Vì vậy, sự suy yếu của lĩnh vực này kéo theo nhiều nhóm ngành khác, trong đó các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng (thép, cát, đá, xi măng…) chịu ảnh hưởng không nhỏ. Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) cũng nằm trong những ví dụ.

dau-tu-thuong-mai-smc-gap-kho-khan-kep-tu-kinh-doanh-va-cong-no-pld-1694180021.jpeg
Đầu tư Thương mại SMC gặp khó khăn kép từ kinh doanh và công nợ

SMC là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Trong đó, thương mại thép (thép xây dựng, thép tấm lá, thép hình, xà gồ) là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực về cả sản lượng và hiệu quả kinh doanh của công ty.

Đối với gia công Coil Center (gia công cắt, chặt, xả băng thép tấm cán nóng; gia công cắt, chặt xả băng thép lá cán nguội), công ty gia công thép và cung cấp ra thị trường.

Không giống các công ty sản xuất thép lớn, khi vừa tiêu thụ thị trường nội địa, vừa xuất khẩu, SMC chủ yếu tập trung vào thương mại trong nước, khách hàng là các công ty xây dựng, chủ đầu tư lớn.

Trước áp lực lãi suất cao, dòng tiền bị thắt chặt, hàng loạt chủ đầu tư lớn đều gặp khó về dòng tiền ngắn hạn để thực hiện nghĩa vụ trả lãi/gốc trái phiếu đáo hạn, trả tiền cho nhà thầu xây dựng…

Mới đây, SMC đã công bố Nghị quyết thông qua kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và mục tiêu cho 6 tháng cuối năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 440.000 tấn thép các loại và “phấn đấu không lỗ” trong nửa cuối năm nay.

Trước đó, SMC đã trải qua giai đoạn đầy thách thức trong nửa đầu năm khi ghi nhận lỗ sau thuế hơn 407 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 126 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này cho biết, bên cạnh việc kinh doanh dưới giá vốn, việc chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao, phải trích lập các khoản dự phòng là nguyên nhân chính dẫn tới công ty đã quay trở lại lỗ trong quý 2 vừa qua.

Vướng công nợ khó đòi với nhiều chủ đầu tư

Tại thời điểm cuối quý 2/2023, SMC đang trích lập dự phòng hơn 252 tỷ đồng cho khoản phải thu 2.263 tỷ đồng. Trong đó, hơn 140 tỷ đồng trích lập liên quan tới các công ty con của Novaland, bao gồm Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City và Công ty TNHH Thành phố AQUA.

smc-cong-bo-danh-sach-no-xau-pld-1694180021.jpeg
SMC công bố danh sách nợ xấu tại thời điểm 30/6/2023 (Nguồn: BCTC)

Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) hồi đầu tháng 3/2023, đơn vị này cho biết SMC đang có công nợ khoảng 1.000 tỷ đồng tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL).

Hiện Novaland đang là một trong những khách hàng lớn của SMC trong mảng phân phối thép xây dựng. Hồi đầu năm 2022, SMC đã cùng Novaland hợp tác cung cấp thép xây dựng tại các dự án của doanh nghiệp địa ốc này trong giai đoạn 2022 - 2026.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của SMC đạt hơn 7.600 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn ở mức 977 tỷ đồng, hàng tồn kho của công ty ở mức 1.365 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản với 2.183 tỷ đồng và hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.

Bên kia nguồn vốn, tổng nợ phải trả của SMC ở mức 6.300 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 3.200 tỷ đồng.

Với các khoản nợ tiềm tàng, ban lãnh đạo SMC cam kết bảo lãnh, không hủy ngang vô điều kiện đối với toàn bộ số tiền vay nợ mà các công ty con vay từ các ngân hàng.

Đối với khoản phải thu 67 tỷ đồng từ Tập đoàn Hòa Bình, mặc dù doanh nghiệp này đang có những khó khăn nhất định nhưng công ty tin tưởng về khả năng thu hồi đối với khoản phải thu này.

Ngoài ra, đối với khách hàng truyền thống, thường xuyên, có khả năng thanh toán tốt nhưng đang tạm thời chưa xoay vòng vốn kịp trong thời gian ngắn, công ty tạo điều kiện về thời gian thanh toán công nợ, cân nhắc về việc cung cấp tiếp hàng để khách nợ có thể có cơ hội xoay vòng vốn và tạo ra doanh thu để có thể trả nợ tốt hơn.

Thuý Hà

Link nội dung: https://pld.net.vn/vuong-cong-no-hon-2200-ty-kho-doi-voi-hoa-binh-va-mot-loat-chu-dau-tu-khac-smc-phan-dau-khong-lo-cuoi-nam-a14370.html