Sửa Luật Thủ đô: Cần quy định cụ thể việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ

Trước sự chậm trễ, vướng mắc trong thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần có các quy định cụ thể về vấn đề này…

Theo đó, nhằm tái thiết bộ mặt đô thị, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, ngày 18/12/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn (Đề án), tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, tiến độ triển khai Đề án này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

cai-tao-xay-dung-lai-chung-cu-cu-pld-1694445518.jpg
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội được cho vẫn còn nhiều tồn tại – Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, quy mô từ 2 đến 5 tầng, tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành. Trong đó, nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy hiểm về an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân, tuy nhiên, thời gian qua, Thành phố mới chỉ tiến hành kiểm định được 401 chung cư cũ, thực hiện việc di dời người dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm cấp độ D; hoàn thành xây mới và đưa vào sử dụng đối với 18 chung cư cũ, 14 dự án đang được triển khai.

Trước thực tế đã nêu, bên cạnh các vướng mắc về mặt quy hoạch, chính sách, nhiều ý kiến cho rằng, để có thể thúc đẩy việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã xuống cấp, cần có thêm các cơ chế, chính sách cụ thể trong Luật Thủ đô (sửa đổi), bởi, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Dự thảo Luật sửa đổi: “Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp phải tuân thủ quy hoạch được phê duyệt bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư” vẫn còn chung chung, chưa tạo ra sự đột phá.

xay-dung-lai-chung-cu-cu-pld-1694445518.jpg
Theo chuyên gia, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cần có quy định cụ thể trong Luật Thủ đô (sửa đổi) – Ảnh minh họa

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Đỗ Xuân Trọng – Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần quy định cụ thể hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; qua đó đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Thủ đô và Luật Nhà ở, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước – người dân – doanh nghiệp với các giải pháp cho từng chủ thể.

Cần tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân ở các khu chung cư cũ, nhà ở cũ, xuống cấp về phương án thiết kế, chính sách di dân và các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ. Qua đó, vừa tạo tâm lý sẵn sàng cho người dân vừa có thể tham khảo ý kiến người dân ở khu vực này. Tạo cơ chế để người dân sở hữu chung cư cũ, nhà ở cũ được góp vốn cùng nhà đầu tư để cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ; sau đó người dân sẽ có những ưu đãi nhất định trong việc chọn căn, chọn tầng tuỳ theo tỉ lệ vốn góp. Người dân có thể tham gia giám sát cộng đồng đối với dự án, đảm bảo thực hiện theo đúng tiến độ, thiết kế đã được thông qua. Các nhà đầu tư được Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; đối với các hộ nhất định không chịu di dời, chính quyền sẽ có biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tiến độ dự án.

Còn theo PGS.TS Hoàng Tùng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể hiện được chiến lược nhà ở đặc thù của Thủ đô với quy mô 8,5 triệu dân, để người dân cải thiện, nâng cấp nhà ở, từ người nghèo, người không có thu nhập đến người thuộc tầng lớp trung lưu; phải có cơ chế rà soát tất cả các dự án đang dang dở để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cơ chế cho các dự án nhà ở mới nhằm thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết. Về cải tạo chung cư cũ, phân quyền cho HĐND TP. Hà Nội ban hành một số chính sách, biện pháp liên quan đến cải tạo chung cư cũ, trong đó có cơ chế khuyến khích cộng đồng hộ dân tự tổ chức liên kết cải tạo chung cư cũ.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Nguyễn Thành Luân – Trường Đại học Thủy lợi cho biết, việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực để phát triển.

“Về phát triển nhà nên giao HĐND TP. Hà Nội quy định cụ thể một số chính sách phát triển đô thị thuộc Thủ đô như: Quy định chính sách cải tạo, xây mới nhà ở cũ, nhà nhiều hộ xuống cấp, chung cư cũ, chỉnh trang nhà ở các ô phố và niên hạn sử dụng các nhà chung cư cao tầng. Sử dụng vốn từ ngân sách của TP. Hà Nội hoặc từ Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố để lập quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo các nhà ở cũ có một chủ sở hữu là Nhà nước,… trong đó, có chính sách phát triển các Thành phố thuộc TP. Hà Nội và đô thị vệ tinh, đô thị mới, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), cơ chế chia sẻ lợi ích của nhà đầu tư với Nhà nước và người dân”, vị chuyên gia này đề xuất.

Link nội dung: https://pld.net.vn/sua-luat-thu-do-can-quy-dinh-cu-the-viec-cai-tao-xay-dung-lai-nha-chung-cu-cu-a14418.html