Do doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh, nên đến cuối quý 2/2023, FMC mới hoàn thành được 35% kế hoạch doanh thu và 32% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Lãi trước thuế giảm mạnh
FMC vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thuần 1.032 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh còn 8%. Doanh thu tài chính giảm 29% còn 13,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng của FMC âm hơn 9 tỷ đồng nhờ được hoàn thuế chống bán phá giá. Kết quả, FMC thu về 77,3 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, FMC ghi nhận doanh thu thuần 2.043 tỷ đồng, giảm 26% và lãi ròng 112,3 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của FMC giảm chính là sản lượng xuất khẩu cũng như giá bán tôm giảm. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC, giá tôm tiêu thụ của thế giới đã chạm đáy. Do đó, kỳ vọng các quý sau FMC cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng dương trở lại.
“Quý 3/2023 có thể sẽ là quý tăng tốc tiêu thụ mặt hàng tôm của Việt Nam ra thị trường thế giới, bởi trong giai đoạn cuối năm có nhiều lễ hội ở các thị trường lớn như Mỹ và EU khiến nhu cầu tiêu thụ tôm đã qua chế biến sẽ tăng lên. Hiện nguyên liệu tôm chế biến sâu của Việt Nam đang chiếm thị phần lớn ở các thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản”, ông Hồ Quốc Lực cho biết.
Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu
Để chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm cuối năm, FMC đã tăng mạnh hàng tồn kho lên gần 1.300 tỷ đồng vào cuối quý 2/2023, là mức cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, FMC cũng mở rộng vùng nuôi thương mại. Tính tới tháng 7/2023, Công ty đang vận hành vùng nuôi có diện tích 525 ha, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. FMC cũng đưa vào hoạt động 2 nhà máy chế biến mới giúp công suất tăng thêm 20.000 tấn/năm. Như vậy với lượng hàng lớn, cộng với giá tôm tăng từng ngày, vùng nuôi tôm mở rộng đáng kể sẽ là cơ hội cho FMC trong thời gian tới.
Dù có nhiều lợi thế từ nguồn hàng, nhưng xét theo khía cạnh thị trường, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ vẫn gặp thách thức cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ, những nước có giá tôm thấp hơn Việt Nam.
Tuy nhiên theo Shinhan Securities, ở thị trường Mỹ, FMC đang cố gắng duy trì thị phần tôm chế biến sâu, đây là loại tôm cao cấp nên sẽ có được giá bán cao hơn so với các dòng tôm khác. Thị phần tôm chế biến sâu của FMC ở Mỹ khoảng 25%. “Sở dĩ FMC tập trung vào dòng sản phẩm này ở Mỹ là do nước ta khó cạnh tranh được với tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador bởi khoảng cách địa lý khiến cho chi phí vận chuyển cao, khó có lời”, Shinhan Securities nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, FMC có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản khi thị phần của FMC tại thị trường này đã lên tới khoảng 40%. Điều đáng nói là thị trường Nhật Bản có lợi thế là gần Việt Nam nên sẽ giúp FMC giảm thiểu được chi phí vận chuyển, từ đó giúp giảm được chi phí bán hàng.
Ngoài ra, FMC cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm 2,6% và thị trường Anh chiếm 21,3% tổng doanh thu của FMC theo số liệu 6 tháng đầu năm 2023 của FMC.
Mặc dù vậy, FMC cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở Châu Âu.
Link nội dung: https://pld.net.vn/fmc-mong-doi-van-a14456.html