Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội, chiều 15/9, các đại biểu tiếp tục Phiên thảo luận chuyên đề 1 về chủ đề "Chuyển đổi Số."
Các đại biểu đề xuất các chính sách và giải pháp, nhất là hoàn thiện thể chế về đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng mới, các nền tảng số để tăng tốc chuyển đổi số; phổ cập kết nối số, nâng cao nhận thức số, văn hóa số, kỹ năng số cho người dân, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong môi trường số, đảm bảo phát triển bền vững.
Giới thiệu về công cuộc chuyển đổi số ở Lithuanian, ông Marius Matijosaitis cho biết, quốc gia này chú trọng củng cố cơ sở hạ tầng số, ưu tiên cải thiện kỹ năng số cho nhóm người dễ bị tổn thương như người già, người thu nhập thấp, người có trình độ công nghệ số thấp.
Lithuania đã triển khai xây dựng Cổng Chính phủ Số, trong đó cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện cho người dân thực hiện các dịch vụ qua mạng đồng thời cung cấp dịch vụ để người nước ngoài đăng ký thường trú.
Ngoài ra, Lithuania đã hỗ trợ cung cấp sim điện thoại, thẻ căn cước công dân điện tử ở mức độ cao, cho phép công dân của Cộng hòa Lithuania sử dụng các dịch vụ xuyên biên giới do quốc gia khác cung cấp.
Ông Marius Matijosaitis khẳng định tại Lithuania có nhiều sáng kiến đã được áp dụng và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tại hội nghị này, ông Marius Matijosaitis mong muốn các nghị viện cùng hợp tác, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, chống thông tin sai lệch, bảo vệ an toàn thông tin và bảo vệ nền dân chủ, độc lập của các quốc gia…
Chia sẻ kinh nghiệm của Kenya, Thượng nghị sỹ Kenya John Methu cho biết cũng như nhiều nước trên thế giới, Kenya chú trọng chuyển đổi số và phát huy vai trò của thanh niên bởi 60% dân số Kenya là người trẻ tuổi. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả người dân được trang bị kỹ năng số, nhất là trang bị cho thanh niên kỹ năng số. Để làm được việc này cần có cách tiếp cận đa chiều, đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, về trung hạn, Kenya sẽ lắp đặt 100.000km đường dây cáp quang, trang bị kiến thức số cho người trẻ, phân phát các thiết bị số tại các cơ sở giáo dục tiểu học để học sinh tiếp cận công nghệ từ sớm. Là quốc gia nông nghiệp, Kenya cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nông nghiệp.
Thượng nghị sỹ John Methu chỉ rõ cần quan tâm bố trí, dành nguồn lực phù hợp cho nhiệm vụ chuyển đổi số thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Trong phát biểu ghi hình gửi tới Hội nghị, ông Brando Benifei, thành viên Nghị viện châu Âu, cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, ông là báo cáo viên về trí tuệ nhân tạo của Nghị viện châu Âu. Đạo luật về trí tuệ nhân tạo là nỗ lực đầu tiên trên thế giới trong việc định hướng tác động của trí tuệ nhân tạo đối với mọi mặt đời sống.
Hiện nay, các quốc gia thuộc Nghị viện châu Âu đang thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến đạo luật, tập hợp những cách làm tốt đã có trong thực tiễn để giảm thiểu các rủi ro. Nghị viện châu Âu muốn đưa những bài học kinh nghiệm thành quy định pháp luật, hướng đến việc bảo vệ người dân, người lao động trước vấn nạn lạm dụng thông tin bằng trí tuệ nhân tạo.
Tuy mỗi người, mỗi nước đều có góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau, nhưng cần thiết tạo ra một ngôn ngữ chung, hiểu biết chung trong vấn đề trí tuệ nhân tạo, để có những quy định nhất quán về vấn đề này, từ đó các nước có thể cùng nhau đối phó các thách thức pháp lý mà trí tuệ nhân tạo đang tạo ra.
Qua thảo luận, một số nghị sỹ cho rằng trong thời gian tới, các quốc gia cần tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số trong thương mại, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các cơ quan lập pháp cần hành động để có những chính sách bao trùm về số.
Thay mặt cho Quốc hội Ai Cập, nghị sỹ quốc gia này cho biết quá trình chuyển đổi số ở Ai Cập đóng vai trò quan trọng. Ngân hàng Trung ương Ai Cập được tăng cường kỹ năng số để giúp cộng đồng dễ bị tổn thương tiếp cận các công nghệ số. Việc mở rộng mạng di động tại vùng nông thôn đã tạo điều kiện cho nhiều người dân được tiếp cận với công nghệ số.
Nghị sỹ Ai Cập nhấn mạnh điều quan trọng là cần tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng số, tăng cường xây dựng và đào tạo kỹ năng cho người dân. Điều này có thể giải quyết các thách thức để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình số tương lai./.
Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ được thành lập trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) năm 2013.
Kể từ năm 2014, Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu được IPU tổ chức thường niên, được coi là nền tảng quan trọng để trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ.
Mục đích của hội nghị là tăng cường vai trò của nghị sỹ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm.
Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, là một sự kiện đối ngoại đa phương rất quan trọng và là dấu ấn nổi bật của năm 2023.
Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 14-17/9/2023 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Vai trò của Giới Trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua Chuyển đổi Số và Đổi mới Sáng tạo” bao gồm 3 chuyên đề: Chuyển đổi Số; Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo; Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Vào ngày 13/4, Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 gồm 23 người, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng ban, đã được thành lập theo Nghị quyết số 766/NQ-UBTVQH15 ngày 12/4/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Link nội dung: https://pld.net.vn/nghi-sy-tre-toan-cau-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-trong-moi-truong-so-a14562.html