Thị trường chứng khoán được hỗ trợ
Vào ngày 10/9 vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã chính thức ký kết đối tác chiến lược toàn diện, được định nghĩa là quan hệ có sự hỗ trợ thúc đẩy hợp tác sâu rộng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi.
Nhìn sâu hơn vào quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ kể từ năm 1995, khi chúng ta bắt đầu bình thường hóa quan hệ, theo quan điểm của chúng tôi có một số bước ngoặt quan trọng như: Tháng 7/1995, Mỹ đã bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và sau đó chúng ta đã có sự giao thương với các quốc gia trên thế giới.
Đến tháng 11/2006, Tổng thống Mỹ George Bush đã chính thức sang thăm Việt Nam trở thành sự kiện thu hút được rất nhiều sự quan tâm trong nước và quốc tế. Sau đó năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO và mở ra một trang “hoàng kim” trong lịch sử phát triển kinh tế và GDP của Việt Nam.
Vào tháng 7/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thời điểm đó đã sang thăm Hoa Kỳ và hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Sau thời điểm đó từ 2013 – 2023, giao thương Việt Nam và Mỹ đã thay đổi đột phá, với mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cực kỳ mạnh mẽ của Việt Nam sang Mỹ và ngược lại. Trong 10 năm, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, nổi bật nhất là Mỹ trở thành quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu sang lớn nhất thế giới.
Càng về gần đây, nhiều nguyên thủ Mỹ đã đến thăm Việt Nam nhiều hơn. Đơn cử như hồi tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã sang thăm Việt Nam và sau đó là Tổng thống Mỹ Joe Biden; hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Do vậy, với những điều kiện và sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam và Mỹ sau khi đặt quan hệ lên mức cao nhất sẽ có bước tăng trưởng đột phá cả về song phương và đa phương.
Lý giải cho việc tại sao chúng ta lại thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm này, mà không phải sớm hơn hay muộn hơn, chúng tôi cho rằng, trục kinh tế thế giới đang dần xoay chuyển, không chỉ còn là trục giữa Mỹ và các đồng minh; mà còn là sự hình thành một trục khác đối trọng gồm Trung Quốc và các quốc gia thuộc khối BRICS.
Trong điều kiện đó, sự cạnh tranh về kinh tế cũng như đa chiều của hai cường quốc và hai trục đang ngày càng gia tăng, nếu Việt Nam không thiết lập mối quan hệ ngoại giao đa chiều và ở cấp cao nhất đối với Mỹ thời điểm này, thì e rằng sau này sẽ càng khó khăn hơn.
Nhìn lại biến động của thị trường chứng khoán (TTCK) sau các lần Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam trong phạm vi 30 ngày, VN-Inndex có mức tăng trưởng khá tích cực.
Điển hình là thời điểm Tổng thống Mỹ George Bush sang thăm Việt Nam năm 2006, tốc độ tăng trưởng T+30 của VN-Index đã đạt 31%. Những lần khác như Tổng thống Donald Trump sang Việt Nam năm 2017, TTCK cũng đạt tốc độ tăng trưởng T+30 là hơn 9%, hay với lần Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam vào năm 2016 thì thị trường cũng tăng hơn 6%.
Gần đây nhất khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam vào ngày 10/9/2023, đến ngày 11/9 là ngày giao dịch đầu tiên tiên sau chuyến thăm, VN-Index đã có mức tăng trưởng 1,21% và đến T + 2 cũng đạt mức tăng trưởng hơn 1,7%.
Ngành nào hưởng lợi?
Từ những phân tích trên cho thấy, phản ứng của TTCK rất tích cực. Nhìn chung TTCK là thị trường của kỳ vọng, nên những cuộc gặp của các Tổng thống Mỹ luôn luôn mang lại kỳ vọng lớn về việc hợp tác song phương giữa hai quốc gia với vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ chặt chẽ hơn, mạnh hơn thì chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng lợi.
Trong thời gian 2 ngày Tổng thống Joe Biden sang Việt Nam, chúng ta đã ký kết rất nhiều thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, trong đó có các lĩnh vực cụ thể như:
Thứ nhất, chip bán dẫn, đây là lĩnh vực được hai bên chính phủ rất chú trọng quan tâm, đặc biệt khi hai nước đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện. Đối với chip bán dẫn, tập đoàn Amkor dự kiến khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỷ USD.
Thứ hai, Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thông qua quỹ đổi mới và công nghệ an ninh toàn cầu, là một phần trong Đạo luật chip. Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới hợp tác phát triển điện tử công nghệ hàng đầu.
Thứ ba, với lĩnh vực công nghệ AI, hàng loạt các ông lớn như Meta Facebook hay Microsoft cũng đã công bố các thỏa thuận hợp tác với những doanh nghiệp của Việt Nam như FPT, Viettel, Vingroup để triển khai công nghệ AI.
Thứ tư, với lĩnh vực tài chính, hàng loạt các quỹ, các tập đoàn lớn của Mỹ đã có những biên bản ghi nhớ và sự hỗ trợ về khoản vay cho các ngân hàng như Tiên Phong Bank (TPB) hay ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB).
Ngoài ra, có một ngành rất quan trọng và được hưởng lợi lớn nhất mà không được đề cập nhiều ở đây chính là ngành xuất khẩu. Có thể thấy, trước đó Việt Nam đã có sự tăng trưởng xuất khẩu sau khi ký kết đối tác chiến lược toàn diện với các quốc gia như Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ trong giai đoạn 2017-2022 đã cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam cùng kỳ.
Với Trung Quốc cũng tương tự, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ năm 2008 – 2022 là 29,3%, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam giai đoạn này chỉ là 17,18%.
Nếu nhìn vào Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thấy, việc nâng tầm quan hệ đã tác động rất tích cực lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang hai quốc gia này. Đây cũng là cơ sở quan trọng để chúng tôi kỳ vọng sau khi chúng ta nâng tầm quan hệ của Việt Nam với Mỹ, thì trong thời gian tới có thể chưa thể hiện rõ trong năm nay hoặc năm sau, nhưng trong dài hạn 5-10 năm nữa, tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Mỹ sẽ được hưởng lợi. Qua đó sẽ có những phản ứng tích cực lên diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp hay các ngành này trên TTCK.
Nhìn sâu hơn vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, trong đó có khu vực FDI đã có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Từ tháng 8/2013 là thời điểm quan hệ Việt Nam với Mỹ bước lên mối quan hệ hợp tác toàn diện và trong 10 năm đó, chúng ta đã đón được lượng lớn FDI mới đổ vào Việt Nam qua các thương vụ IPO và những thương vụ mua bán sát nhập khối ngoại của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. VN-Index cũng đã có những đợt sóng mạnh mẽ ở thời gian đó cùng với kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến.
Đối với các mặt hàng truyền thống của Việt Nam, vốn là những mặt hàng chúng ta có ưu thế hơn so với các quốc gia khác như gỗ, sản phẩm từ gỗ, hàng dệt may, thủy sản và rau quả… cũng có tỷ trọng lớn nhất xuất khẩu sang Mỹ. Đây chính là những nhóm cổ phiếu đã hiện diện rất nhiều trên sàn VN-Index, HNX và UPCoM vì trị giá các mặt hàng xuất khẩu truyền thống trong 10 năm qua có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đều và ổn định. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng ở thời điểm tiếp theo khi đã nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, các mặt hàng này sẽ là mặt hàng trực tiếp hưởng lợi khi các cánh cửa đối với xuất khẩu sang Mỹ được mở rộng hơn.
Trước đó, chúng tôi đã kỳ vọng về sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngành xuất khẩu với các yếu tố hỗ trợ như: Tới đây là thời điểm cao điểm tiêu thụ hàng hóa của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam gồm Mỹ và EU; Bản thân hàng tồn kho ở Mỹ của các doanh nghiệp tích trữ đã giảm xuống rất thấp so với cách đây 1 – 2 quý.
Việc Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam chính là câu chuyện thứ ba mang tính chất dài hạn hơn, củng cố cho những nhận định của chúng tôi về kỳ vọng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, cũng như kim ngạch xuất khẩu tổng thể sẽ có sự hồi phục tích cực. Các doanh nghiệp xuất khẩu trên sàn sẽ hưởng lợi trực tiếp.
Nhìn chung sự kiện vừa qua sẽ có ảnh hưởng tích cực lên TTCK Việt Nam, tuy nhiên đây không phải yếu tố mang tính chất quyết định. Nếu xét đơn thuần thì đây là một sự kiện có tính chất hỗ trợ cho thị trường và những nhóm ngành được hưởng lợi sẽ bao gồm nhóm ngành công nghệ, cảng biển, FDI và đặc biệt là nhóm ngành xuất khẩu.
Link nội dung: https://pld.net.vn/tong-thong-my-sang-tham-viet-nam-nganh-nao-huong-loi-a14581.html