Trong nhiều tháng qua, gần 200 hộ dân sinh sống ở thôn Tường Vân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng.
Các hộ dân ngày ngày khổ sở tìm nguồn nước ngọt do hệ thống giếng và mạch ngầm hoàn toàn bị nhiễm phèn, mặn.
Dù đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng "cơn khát nước sinh hoạt" của người dân vẫn chưa được giải quyết.
Không tìm được nguồn nước, họ phải chi tiền mua nước sạch với giá 150.000 đồng/m3.
Nguyên nhân do đâu mà một vùng quê ven biển như Triệu An vốn rất trong lành, thanh bình nay lại gánh chịu tình trạng ô nhiễm nguồn nước đến mức báo động như vậy?
Hồ nuôi tôm... ngay sát nhà
Trong một bức ảnh chụp khu dân cư của xã Triệu An từ trên cao, hình ảnh nổi bật là những hồ nước có diện tích lớn nằm xen kẽ, ngay sát nhà dân.
Người dân địa phương cho biết những hồ nuôi tôm như vậy mọc lên nhan nhản khắp nơi. Họ không còn lạ lẫm với những hồ nuôi tôm có diện tích từ vài chục đến hàng trăm mét vuông, nằm ngay sát bên ruộng lúa hay ngay trong vườn nhà. Ở nơi này, đi tới đâu cũng nghe tiếng máy sục khí rào rào.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Triệu Lăng, hiện toàn xã có khoảng 67ha nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó phần lớn chủ yếu nuôi trên đất hoa màu, đồng ruộng của 5 thôn.
Tình trạng ồ ạt đào hồ nuôi tôm trong khu dân cư diễn ra phổ biến khoảng hơn 10 năm trở lại đây.
Ban đầu, phong trào diễn ra rầm rộ khi các hồ nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Ở khắp mọi nơi, các hộ gia đình đua nhau đào ao, lót bạt nuôi tôm sú và thẻ chân trắng.
Thế nhưng, chỉ sau vài năm, hệ lụy của việc nuôi tôm tự phát bắt đầu hiển hiện trước mắt người dân. Nước mặn từ hồ nuôi tôm thẩm thấu, xâm nhập vào phá vỡ kết cấu thổ nhưỡng, nguồn nước sinh hoạt biến đổi đến mức khó cứu vãn.
Đau lòng hơn, đất trồng lúa, hoa màu sau khi đào ao, hồ để dẫn mặn nuôi tôm hoàn toàn không còn khả năng phục hồi.
Hướng ánh mắt đượm buồn về phía những thửa ruộng bị bỏ hoang, ông Trần Văn Sằn, Phó Trưởng thôn Tường Vân, xã Triệu Lăng, tâm sự trước đây vùng đất này rất trù phú, màu mỡ. Lúa và các loại cây ngắn ngày được mùa quanh năm. Thế nhưng, những năm trở lại đây, các hộ dân đua nhau nuôi tôm tự phát. Hồ tôm mọc nhan nhản khắp nơi khiến đất đai của thôn bị nhiễm mặn. Nhiều diện tích lúa bị nhiễm mặn phải bỏ hoang không canh tác được đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Theo thống kê, thôn Tường Vân có khoảng 38ha trên 80ha ruộng lúa bị bỏ hoang hoàn toàn. Những thửa đất khô cằn, nứt nẻ khiến người ta không thể nhớ nổi nơi đây từng là cánh đồng trù phú, màu mỡ tốt tươi, nơi mà mướp, sắn, khoai, ớt, rau… được mùa quanh năm.
... gây ô nhiễm môi trường
Không những ảnh hưởng đến đất canh tác, môi trường, nguồn nước trong khu dân cư ở xã Triệu An cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Các hồ nuôi tôm ở đây hầu hết không có bể lắng, ao chứa để xử lý nước thải, mà xả thải thẳng ra môi trường.
Người dân bức xúc bởi các kênh mương trong thôn luôn trong tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khiến môi trường sống của người dân bị đe dọa về sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm.
Rác thải phát sinh trong quá trình nuôi tôm cũng khiến cho môi trường, không khí trong xã trở nên khó chịu hơn.
Người dân ở nhiều thông trong xã cho biết họ đã phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mương dẫn nước xả thải của các hồ nuôi tôm gần 6-7 năm nay.
Người dân "khát nước sạch"
"Mấy năm gần đây, cứ đến mùa khô hạn là nhiều hộ dân thôn Tường Vân như gia đình tôi không có nước sạch để sinh hoạt do nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn quá nặng. Người dân trong thôn phải mua nước lọc đóng bình để ăn uống hằng ngày," bà Nguyễn Thị Toàn ở thôn Tường Vân, chia sẻ.
Việc xâm nhập mặn do tình trạng nuôi tôm tự phát trong khu đồng ruộng và dân cư khiến nguồn nước của nhiều gia đình bị nhiễm mặn, nhiễm phèn không thể sử dụng.
Cũng giống 194 hộ gia đình khác trong thôn Tường Vân, gia đình chị Nguyễn Thị Bông, cũng đang trong cơn “khát nước sạch.” Một ngày trung bình gia đình chị Bông phải bỏ ra 30.000 đồng để mua nước.
Ông Trần Văn Sằn, Phó Trưởng thôn Tường Vân, chia sẻ gia đình ông có 3 nhân khẩu với nhu cầu dùng cho việc ăn, uống hết khoảng 21 lít/ngày. Như vậy, mỗi tháng tiền mua nước sạch hết khoảng 1,2-1,5 triệu đồng.
Đây là một số tiền không nhỏ với nhiều gia đình trong thôn.
Để có nước dùng trong sinh hoạt, nhiều hộ gia đình phải lấy nước bị nhiễm mặn và phèn từ giếng khoan sau đó đổ vào bể lọc nước bằng đất thủ công để dùng.
Không chỉ gia đình bà Toàn, chị Bông, ông Sằn mà hầu hết các gia đình sống quanh các hồ tôm tự phát cũng đang ở trong tình trạng tương tự.
Nhiều gia đình phải khoan giếng tại 3 địa điểm khác nhau trong vườn nhà nhưng đều không được do nước bị nhiễm mặn và phèn.
"Mong muốn lớn nhất, bức thiết nhất của người dân thôn Tường Vân là có nguồn nước sạch sinh hoạt ổn định,” ông Sằn nói.
Tình trạng nuôi tôm tự phát ở khu vực không chỉ diễn ra ở xã Triệu An, mà còn xảy ra ở nhiều xã khác của huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng như xã Triệu Vân, xã Triệu Lăng, xã Hải An...
Phần lớn diện tích nuôi tôm tự phát này đang được triển khai trên đất trồng hoa màu, trong khu dân cư không đúng quy hoạch. Điều này khiến nhiều diện tích đất trồng lúa, hoa màu không thể canh tác được do nhiễm mặn, phèn.
Đồng thời, việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm, bơm nước mặn vào ao hồ nuôi tôm đã khiến nhiều hộ dân vùng biển lâm vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng.
Tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn không thể xử lý dứt điểm./.
Link nội dung: https://pld.net.vn/dan-man-nhap-dong-de-nuoi-tom-nguoi-dan-chiu-canh-khat-nuoc-sach-a14672.html