Nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội
Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, huyện Gia Lâm có 116,64 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số trên 300.000 người; có 22 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn và 20 xã. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trọng điểm đã nỗ lực tạo "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các tỉnh thành, các trung tâm kinh tế lớn như: quốc lộ 1A kết nối tỉnh Bắc Ninh, quốc lộ 3 mới (tuyến Hà Nội - Thái Nguyên), quốc lộ 5B kết nối tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng....
Ngoài ra, hệ thống đường thuỷ qua các con sông Hồng, sông Đuống và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc 2 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giao thương hàng hóa, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để phát triển một nền kinh tế đa dạng.
Được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao theo hướng quốc lộ 5 và quốc lộ 1A. Đến nay hệ thống mạng lưới các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng phát triển như: Phú Thị, thực phẩm Hapro, Ninh Hiệp.... Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều làng nghề thủ công, truyền thống lâu đời nổi tiếng điển hình như: làng gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan; may da, dát vàng Kiêu Kỵ: làng nghề thuốc bắc, mứt sen Ninh Hiệp:...
Những năm gần đây, huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản. Cơ sở hạ tầng của huyện Gia Lâm cũng được chú trọng, tập trung xây dựng phát triển theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ.
Đến nay, mạng lưới giao thông tương đối đồng bộ hoàn chỉnh. các tuyến đường được chinh trang với hệ thống chiếu sáng hiện đại đáp ứng được công năng đô thị hiện đại. Những khu đô thị, khu dân cư mới được hình thành và kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng của huyện, như: Khu đô thị Vinhome Ocean Park, khu đô thị Đặng Xá 1, khu đô thị Đặng Xá 2.
Cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp đã kéo theo lực lượng lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: Nhà ở, giao thông, y tế... đồng thời tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội, trật tự xây dựng…
Từ thực tế đó, để đảm bảo cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho huyện Gia Lâm nói riêng cũng như lợi ích của Hà Nội nói chung, cần có một giải pháp quản lý phù hợp hơn nữa trong công tác chính quyền địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả của chính quyền trong quản lý tổng thể xã hội.
Do vậy, việc thành lập quận Gia Lâm sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm phát triển.
Cơ bản đạt 5/5 tiêu chuẩn để thành lập quận
Theo UBND TP. Hà Nội, dự kiến, sau khi thành lập, quận Gia Lâm có 16 phường trực thuộc, bao gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.
Đến nay, việc thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm đã cơ bản đảm bảo các điều kiện quy định. Tiêu chuẩn thành lập quận, huyện Gia Lâm đã cơ bản đạt 5/5 tiêu chuẩn để thành lập quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể như phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt. Hà Nội cũng đang triển khai lập Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 để trình Chính phủ phê duyệt, đảm bảo phù hợp việc thành lập quận Gia Lâm và các phường.
Ngoài ra, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu qua quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị. bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương các xã, thị trấn sau khi được lên phường.
Việc thành lập quận và các phường sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương: Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ được tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ nhất là hệ thống các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hoá. Từ đó, nhân dân sẽ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hoá, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ... với điều kiện thuận lợi hơn, chất lượng tốt. Với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều dự án hợp tác về kinh tế của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.
Việc thành lập quận và các phường tạo điều kiện tốt hơn trong công tác bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đảm bảo đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương; tạo sự thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và tạo được sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn.
Dự kiến, tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP. Hà Nội tháng 9 diễn ra vào ngày 22/9 sắp tới, HĐND TP. Hà Nội xem xét thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường trực thuộc.
Gia Huy
Link nội dung: https://pld.net.vn/huyen-gia-lam-da-san-sang-len-quan-a14686.html