Doanh nghiệp bất động sản hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng, người mua nhà và nhà đầu tư cá nhân cũng phải vay tiền. Chính vì vậy, lãi suất có tác động rất lớn đến các bên tham gia thị trường bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục trầm lắng, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng..., dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn, phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án, cắt giảm lao động.
Trong báo cáo của Tổng Cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2023, lĩnh vực bất động sản có 3.066 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm mạnh nhất so với các ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, bất động sản cũng là ngành dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp giải thể từ đầu năm đến nay với 855 doanh nghiệp giải thể, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong tình thế thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do sức mua rất yếu hiện nay dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, bị sụt giảm thanh khoản thậm chí bị mất thanh khoản lại đang bị “tắc” các nguồn vốn khác. Chẳng hạn như “tắc” nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn huy động từ khách hàng. Do vậy, việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng là chiếc phao cứu sinh đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Giới đầu tư nhận định, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp ký không chỉ giúp các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp cận được nguồn vốn mà còn tạo sức cầu cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên theo chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất tốt cho doanh nghiệp cho vay muốn vay và có thể vay nhưng với doanh nghiệp bất động sản, giảm lãi suất không phải là cây đũa thần vì họ không thể vay được nữa, bất động sản đang giảm giá.
“Doanh nghiệp bất động sản sẵn sàng trả lãi suất cao khi họ kinh doanh thu lợi nhuận cao. Vậy nên với doanh nghiệp bất động sản, lãi suất không phải là vấn đề quá lớn”, ông Hiếu nói. Đồng thời chuyên gia này nhận định, thị trường bất động sản, vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, vấn đề khai thông nguồn vốn có lẽ phải đợi sang năm 2024.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, vướng mắc pháp lý một trong các yếu tố tác động rất lớn đến thị trường hiện tại. Đây cũng là nguyên nhân khiến 70% các dự án không thể triển khai được trong khoảng 3 năm gần đây. Điều này khiến vòng đời triển khai của một dự án kéo dài, do đó đẩy chi phí đầu tư tăng dẫn đến giá bán tăng cao.
Đồng quan điểm, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay nằm ở vấn đề pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Tuy nhiên nhìn ở góc độ tích cực, thị trường đang được điều tiết tốt hơn về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Trong thời gian tới, với sự phục hồi của nền kinh tế, sự phát triển của cơ sở hạ tầng thì các nền kinh tế địa phương ở Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng như các khu vực tiếp nối với phía đông thành phố TP.HCM sẽ góp phần cải thiện thu nhập của người dân, từ đó tác động tích cực lên thị trường bất động sản.
Diệu Trang
Link nội dung: https://pld.net.vn/ha-lai-suat-khong-phai-thuoc-tien-voi-doanh-nghiep-bat-dong-san-a14755.html