Cụ thể, BMP sẽ phải nộp hơn 1,2 tỷ đồng do khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp và 121 triệu đồng do khai sai không dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng (có áp dụng tình tiết tăng nặng).
Bên cạnh đó, BMP phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Công ty bị buộc nộp đủ số tiền thuế truy thu do kê khai sai là hơn 6 tỷ đồng, trong đó, năm 2020 là 4,2 tỷ đồng, năm 2021 là 663 triệu đồng và năm 2022 là 1,22 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải nộp tiền chậm nộp gần 1,3 tỷ đồng.
Tổng Cục Thuế lưu ý, số tiền nộp thuế nêu trên được tính đến hết ngày 05/09/2023. Công ty có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp kể từ sau ngày này đến thời điểm thực nộp số tiền thuế truy thu và tiền phạt vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
BMP bị giảm thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau của kỳ tính thuế tháng 12/2022 là 179 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền xử phạt và truy thu mà BMP phải nộp là gần 9 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, BMP ghi nhận doanh thu đạt 2.797 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm ngoái. Do áp lực chi phí lãi vay không lớn và doanh thu tài chính tăng mạnh đã giúp BMP lãi kỷ lục bán niên trên 575 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong 2 tuần qua, giá nhựa PVC đã giảm nhẹ xuống mức 900 USD/tấn – là vùng giá bình thường, sau khi tăng mạnh từ vùng đáy 780 USD/tấn hồi tháng 6 và tháng 7/2023, lên 820 – 910 USD trong tháng 8.
Dẫn thông tin từ ChemOrbis – một đơn vị nổi tiếng chuyên nghiên cứu về hạt nhựa, BVSC cho biết, nguyên nhân của nhịp điều chỉnh giá PVC gần đây ở khu vực Đông Nam Á (ĐNA) và Ấn Độ là do nguồn cung dồi dào và nhu cầu vẫn còn yếu. Do nhu cầu phục hồi chậm, BVSC kỳ vọng, giá hạt nhựa PVC duy trì ổn định ở vùng giá bình thường là 850 – 900 USD/tấn như trong giai đoạn 2017 – 2020.
“Chúng tôi hiểu rằng BMP có khả năng chia sẻ nhiều lợi ích hơn với các nhà phân phối và/hoặc triển khai nhiều chương trình khuyến mãi ngắn hạn nhằm đẩy mạnh sản lượng, tác động ròng lên lợi nhuận ròng vẫn sẽ tích cực”, BVSC đánh giá.
Theo BVSC, do quý III thường là mùa mưa ở Việt Nam nên nhu cầu ống nhựa xây dựng thường thấp. Do đó, Công ty Chứng khoán này dự báo, sản lượng bán hàng trong quý III/2023 của BMP sẽ giảm so với quý trước, trước khi phục hồi trong quý IV/2023.
Mặc dù vậy, BVSC vẫn đánh giá, BMP vẫn duy trì vị thế hưởng lợi từ sự hợp nhất đang diễn ra của ngành, nơi mà các “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ, và giành được thêm nhiều thị phần hơn.
Đồng thời, BVSC tin rằng, triển vọng nhu cầu thực tế cũng tươi sáng hơn nhờ: Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với thị trường bất động sản; Các chính sách tài khóa: giảm VAT, tăng cường đầu tư công; và chính sách tiền tệ quyết liệt cắt giảm lãi suất.
“Chúng tôi hiện đang dự báo sản lượng năm 2023 của BMP tăng nhẹ 3,0% so với cùng kỳ năm, trước khi phục hồi 7,0% so với cùng kỳ trong năm 2024 và tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước, trong 2025. BVSC hiện dự báo sản lượng bán hàng trong nửa cuối năm 2023 đạt 52.371 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ”, BVSC dự báo.
Ở thời điểm hiện tại, BVSC duy trì dự báo kết quả kinh doanh giai đoạn 2023 – 2025 đối với BMP. Trong đó, lợi nhuận ròng 2023 dự báo tăng mạnh 47,2% so với năm trước, lên gần 1.022 tỷ đồng. Đồng thời, dự báo lợi nhuận ròng 2024 về mức 705,5 tỷ đồng trước khi tăng trưởng 5,6% so với năm trước, trong 2025 lên 745,2 tỷ đồng.
“Nhu cầu lạc quan hơn nhờ cải thiện triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam và chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Đồng thời, giá nhựa PVC đang ổn định ở mức thấp. Trong dài hạn, chúng tôi nhận thấy việc BMP ngày càng củng cố vị thế trên thị trường sẽ đảm bảo năng lực thương lượng đối với khách hàng qua việc duy trì giá bán ở mức cao. Điều này sẽ bảo vệ biên lợi nhuận nếu giá nhựa PVC phục hồi”, BVSC đánh giá.
Link nội dung: https://pld.net.vn/bi-phat-truy-thu-thue-bmp-co-trien-vong-kinh-doanh-ra-sao-a14773.html