Thanh long là loại cây dễ trồng, cho năng suất cao, có khả năng chịu hạn, thích nghi tốt với thổ nhưỡng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn nên được các tỉnh phía Nam chọn phát triển ở các địa bàn canh tác khó khăn.
Trước đây, loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao đã giúp người nông dân các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bình Thuận vươn lên làm giàu. Có thời điểm từ năm 2019 trở về trước, mỗi ha trồng thanh long có thể thu về lợi nhuận trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, "Từ năm 2022 trở lại đây, thanh long đã chính thức rời khỏi nhóm những mặt hàng tỷ USD của Việt Nam," ông Đặng Phúc Nguyên, Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam, cho biết.
Nông dân khắp nơi gặp khó
Do những vụ trồng gần đây liên tục thua lỗ nên hồi đầu năm nay, anh Nguyễn Trúc Hiếu, xã Tân Thuận Bình, Chợ Gạo, Tiền Giang, đã phá bỏ vườn thanh long trồng được khoảng 7 năm. Anh buồn bã cho biết nếu tiếp tục đầu tư chăm sóc thanh long thì sợ rủi ro cao quá, sợ sẽ tái diễn cảnh thanh long chín đầy vườn mà không ai mua.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự anh Hiếu, ông Nguyễn Văn Chiến, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành cho hay từ lúc dịch bệnh, giá cả bấp bênh, bà con đầu tư không có lời, đều là lỗ. Nếu người nào còn có vốn nhiều thì chăm sóc giữ cho cây không bệnh hoặc chuyển sang trồng cây khác, người nào không có vốn thì buộc phải bỏ hoang vườn hư hại. Do đó, hiện tại nhiều người thiếu nợ ngân hàng, vì thu hoạch không có lãi, phải vay để tái sản xuất và chi tiêu cuộc sống.
Trong khi đó, hồi tháng Bảy, thanh long tại Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào chính vụ nhưng giá lại rớt xuống mức thấp.
Tại huyện Xuyên Mộc, vùng có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bà con trồng thanh long cho biết thanh long ruột đỏ giá đã rớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, thương lái có thu mua cũng chỉ lựa trái to, đẹp không bị nấm bệnh mới mua, còn những trái nhỏ, bị nấm sẽ bị cắt vứt lại vườn. Còn đối với thanh long ruột trắng không tiêu thụ được.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ngụ ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, có 1,5ha trồng thanh long, trong đó có 6 sào đang cho thu hoạch.
Ông Hải cho biết mới lứa trước cách đây khoảng gần 1 tháng thương lái còn thu mua thanh long ruột đỏ của gia đình ông với giá 33.000 đến 35.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng cũng bán được 8.000 đồng/kg. Thế nhưng, khi vừa mưa xuống, thanh long bước vào vụ thu hoạch lứa chính vụ đầu tiên trong năm đã bị rớt giá xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, còn thanh long ruột trắng thì không có thương lái trả giá và thu mua.
Ông Hải ước tính lứa thanh long chính vụ, với 6 sào đang cho thu hoạch ông sẽ thu về khoảng 5 tấn trái, với giá bán như hiện nay may mắn lắm ông thu được 10 triệu đồng, trong khi đó chi phí cho lứa thanh long này đã đội lên trên 15 triệu đồng tiền phân, thuốc, nhân công rồi.
Giá thanh long giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư cho vụ sản xuất như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công lao động luôn ở mức cao khiến cho thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng, nhiều nhà vườn cầm chắc thua lỗ nặng với giá bán hiện nay.
Nguyên nhân do đâu?
Từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhiều nơi trên thế giới và cả Việt Nam. Trung Quốc, thị trường chính tiêu thụ nông sản của Việt Nam thực hiện nhiều chính sách nghiêm ngặt để phòng chống dịch.
Đồng thời, nước này cũng tăng cường thực hiện tiêu chuẩn nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu. Chính điều này khiến cho nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có thanh long liên tục rớt giá.
Có thời điểm, giá thanh long chỉ có ở mức từ 1.000-3.000 đồng/kg, thậm chí là bán không ai mua. Người trồng thanh long không thu được lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ.
Mới đây tại Diễn đàn “Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững” được tổ chức tại tỉnh Bình Thuận, ông Đặng Phúc Nguyên, Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam, cho biết một số thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trước đây như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… chưa trồng thanh long. Nhưng thực tế hiện nay các nước này xác định thanh long là cây trồng chính và sẽ được tập trung phát triển thành cây chủ lực.
Hồi cuối tháng Hai, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm, cao hơn Việt Nam 200.000 tấn, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng. Năng suất canh tác này gần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khoảng 2 triệu tấn một năm của quốc gia này.
Ấn Độ cũng đã trồng thành công loại quả này. Mới đây, Chính phủ Ấn Độ quyết định xây lộ trình canh tác lên 50.000ha trong 5 năm tới, từ 3.000ha hiện nay.
Hiện 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với hơn 45.000ha, chiếm 82% diện tích và chiếm 90% sản lượng thanh long cả nước. Khó khăn hiện nay là dù đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, nhưng phần lớn sản xuất với quy mô diện tích nhỏ lẻ, sản xuất vẫn còn thiếu tính liên kết.
Bên cạnh đó, yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày cành tăng, trong khi sản xuất thanh long an toàn, có chứng nhận chất lượng trong nước hiện còn khiêm tốn.
Nông dân trồng thanh long trong nước còn sản xuất theo kinh nghiệm, không tuân thủ các điều kiện, yêu cầu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế nên rất khó trụ được mặt hàng tỷ USD.
Để thanh long lấy lại vị thế xuất khẩu
Để tăng cường xuất khẩu chính ngạch, thanh long cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Một số thị trường yêu cầu phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, trong đó có thị trường lớn nhất là Trung Quốc.
Ngành Nông nghiệp Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí chất lượng, cũng như về yêu cầu quản lý mã số vùng trồng.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Bên cạnh cấp mã số vùng trồng thì mã số cơ sở đóng gói cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, là một trong những yêu cầu bắt buộc của nước nhập khẩu. Nếu không được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, xác định việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là rất cần thiết để thanh long Bình Thuận đáp ứng được nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu bền vững.
Từ năm 2018, Bình Thuận đã bắt đầu triển khai thống kê vùng trồng và nhà đóng gói thanh long để đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói thanh long Bình Thuận.
Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 574 mã số vùng trồng và 287 mã số cơ sở đóng gói được cấp và giám sát; trong đó, mã số vùng trồng trong tỉnh đăng ký xuất khẩu sang Hàn Quốc là 120 mã số, Australia là 139 mã số; New Zealand là 139 mã số; Trung Quốc là 78 mã số...
Kết quả này bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để người sản xuất và cơ sở đóng gói thanh long trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và bền vững.
Tiếp đó, các tỉnh cần đánh giá lại thị trường và khuyến khích nông dân phát huy lợi thế của mình, không nên vội vàng phá bỏ cây thanh long.
Tại Tiền Giang, dù tình trạng khó khăn, nhưng đa số người dân vẫn kỳ vọng vào việc tiếp tục trồng thanh long để có thu nhập. Ông Lê Văn Thủy, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho rằng nhiều năm qua, cây thanh long đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của người dân địa phương. Nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu cũng từ cây thanh long.
Vì vậy, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, động viên người nông dân nên bình tĩnh, không nên vội vàng phá bỏ cây thanh long đã gắn bó, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đối với những vườn thanh long già cỗi, nông dân nên thay đổi giống.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, thanh long của Việt Nam vẫn còn nhiều dự địa phát triển, trong những năm tới, nông dân trồng thanh long sẽ có cơ hội, chắn chắn giá sẽ tốt hơn.
Trong khi đó, Hiệp hội Thanh long Long An đã có kiến nghị gửi các cấp ngành liên quan xem xét có chính sách hỗ trợ cho người nông dân vay vốn ưu đãi để phục hồi và phát triển cây thanh long. Bởi sau thời gian dài thua lỗ, nhiều người trồng thanh long ở Châu Thành, Long An không có vốn để trồng mới, phục hồi lại vườn thanh long đã hư hại.
Hiệp hội kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh cân đối tăng nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để nâng cao nguồn vốn từ Trung ương cấp cho tỉnh thực hiện chương trình cho vay đối với các hộ nông dân duy trì trồng thanh long tại huyện Châu Thành và các huyện khác. Cùng đó, có chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho người nông dân trồng mới thanh long, chăm sóc duy trì vườn thanh long.
Ngoài việc tập trung vào chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nông dân cần chọn thời điểm canh tác hợp lý.
Theo các chuyên gia, thay vì trồng ồ ạt như trước, người nông dân cần tăng hàng trái vụ. Chẳng hạn, mùa Đông của Trung Quốc kéo dài nên họ rất khó trồng thanh long vào mùa này. Tranh thủ điều này, nông dân Việt Nam nên tăng trồng thanh long cho thu hoạch vào đầu năm và cuối năm.
Chẳng hạn, thời điểm cuối năm 2022, giá thanh long Tiền Giang hiện được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đó một tháng, giúp người trồng phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao.
Thời điểm đó, các vựa thanh long ở các huyện Chợ Gạo được thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000-30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000-25.000 đồng. Với giá mua như trên, nhà vườn trồng thanh long phấn khởi, yên tâm đầu tư vào cây thanh long sau thời gian giảm giá mạnh.
Trong khi đó, vào thời điểm tháng Tám, là cao điểm thanh long vào vụ thu hoạch rộ nên giá thanh long giảm mạnh, thương lái thu mua thanh long ruột đỏ giá chỉ từ 2.000-4.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng giá từ 5.000-6.000 đồng/kg.
Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh thu hoạch trước hoặc sau khi thanh long Trung Quốc hết vụ. Để làm được điều này, chính quyền địa phương phải thông tin với nông dân để họ có sự chuẩn bị và canh tác đúng quy hoạch.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Hiếu, Viện Cây ăn quả miền Nam, chia sẻ cần có cơ chế hợp tác giữa 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang trong điều tiết mùa vụ, cân đối sản lượng thu hoạch phù hợp so với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Xác định “bán sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mình có.”
Ngoài ra, "khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng ký kết không chỉ bao tiêu sản phẩm mà còn đầu tư vào vùng nguyên liệu," ông Hiếu nói thêm./.
Link nội dung: https://pld.net.vn/tim-giai-phap-lay-lai-vi-the-xuat-khau-cho-thanh-long-viet-nam-a14794.html