Hải Dương: Đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những giải pháp được Hải Dương triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động này.

Từ thực hiện triển khai…

Thời gian qua, tại một số địa phương, hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra. Ngoài việc thất thoát tài nguyên còn gây ra hiện tượng sụt lún, sạt lở, ảnh hưởng xấu đến môi trường, môi sinh. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý người đứng đầu địa phương, nhất là cấp xã khi buông lỏng quản lý để hoạt động khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương chưa có sự phối hợp trong quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ở khu vực có chung địa giới hành chính của hai huyện hoặc hai tỉnh trở lên; xử lý chưa kiên quyết, thiếu đồng bộ và kịp thời đối với hoạt động khai thác trái phép. Mặt khác, lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về khoáng sản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, số lượng, hạn chế về kinh phí, phương tiện.

Mặc dù Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực đã được hơn 8 năm, nhưng đến nay có nhiều chính sách, quy định pháp luật liên quan đến môi trường, đất đai, tài nguyên nước đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới nên có nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế. Chính vì vây, việc đấu giá quyền khai thác là một trong những giải pháp được Chính phủ triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản.

dau-gia-quyen-khai-thac-khoang-san-pld-1695719839.jpeg
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những giải pháp được Hải Dương triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động này. (Ảnh: Báo Hải Dương)

Theo UBND tỉnh Hải Dương: Tỉnh vừa tổ chức đã đấu giá thành công 5 mỏ khoáng sản ở Chí Linh. Đây là năm đầu tiên Hải Dương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thực tế, đến nay Hải Dương mới tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là muộn. Bởi lẽ, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 được Quốc hội khóa XII ban hành ngày 17/11/2010 đã có quy định về nguyên tắc, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Được biết, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực từ ngày 15/5/2012. Sau đó, các văn bản hướng dẫn được ban hành. Trong đó, nhiều địa phương trong cả nước đã phê duyệt kế hoạch đấu giá và đấu giá thành công nhiều mỏ khoáng sản từ sớm.

Năm 2020, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 5 khu vực, tổng diện tích hơn 83 ha ở TP Chí Linh. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt giá khởi điểm, tiền đặt trước và bước giá cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1 năm 2020 đối với 5 khu vực.

Tuy nhiên, do hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian trước còn nhiều bất cập nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản để rà soát, khắc phục. Do đó việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa được triển khai thực hiện theo kế hoạch. Trước đó, trong phiên thảo luận hội trường ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, ông Hoàng Văn Thực – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo: Hải Dương đã đóng cửa 26 mỏ khai thác khoáng sản.

Ngày 21/2, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2023. Theo đó có 5 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn TP Chí Linh được đấu giá quyền khai thác. Trong đó có 2 khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, gồm khu mỏ đất đồi Hang Hổ ở phường Hoàng Tiến và mỏ đất đồi Ông Sao ở phường Hoàng Tân, Bến Tắm.

tinh-hai-duong-vua-to-chuc-da-dau-gia-thanh-cong-5-mo-khoang-san-o-chi-linh-pld-1695719839.jpg
Tỉnh Hải Dương vừa tổ chức đã đấu giá thành công 5 mỏ khoáng sản ở Chí Linh (Ảnh: Báo Hải Dương)

3 khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản, gồm mỏ đất đá làm nguyên liệu sản xuất cát nhân tạo ở đồi Đại Bộ, phường Hoàng Tân và xã Bắc An; mỏ đất đá tại núi Trại Tường thuộc phường Phả Lại; mỏ đất đá làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói ở đồi Trại Mét và Trại Quan ở phường Bến Tắm.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu UBND tỉnh thành lập hội đồng đấu giá để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thời gian thực hiện trong năm 2023. Trường hợp khu vực nào chưa thực hiện được công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2023 sẽ được chuyển sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong các năm tiếp theo…

…đến lợi ích

Được biết, có 5 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm các Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Chí Linh (TNHH), TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Khánh Hiền, CP Đầu tư Phát triển thương mại Tân Thành Long, CP Thương mại Đại Dương, CP Tập đoàn đầu tư Á Đông. Đây là năm đầu tiên tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Trước đó, tháng 4/2023, tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5-Quốc gia đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại đồi Hang Hổ, phường Hoàng Tiến và mỏ đất đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại đồi Trại Mét và Trại Quan, phường Bến Tắm (cùng TP Chí Linh).

Theo các chuyên gia khai thác khoáng sản: Những năm trước, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu khai thác nên diện tích mỗi khu vực cấp giấy phép thường nhỏ, gây khó khăn trong hoạt động khai thác do địa hình khu vực mỏ bị chia cắt và kế hoạch khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp khác nhau. Có doanh nghiệp chưa lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại khu vực mỏ, khai thác chưa đúng thiết kế…Việc quản lý trữ lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ được cấp phép trước đây chủ yếu dựa vào khai báo của doanh nghiệp.

thoi-gian-qua-tinh-hai-duong-da-dong-cua-26-mo-khai-thac-khoang-san-pld-1695719839.jpg
Thời gian qua tỉnh Hải Dương đã đóng cửa 26 mỏ khai thác khoáng sản (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021, tổng số tiền các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 142 tỷ đồng và năm 2022 là hơn 140 tỷ đồng. Con số này cho thấy số tiền thu về ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản không tương xứng với tiềm năng.

Đầu tháng 4/2023, cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đầu tiên của tỉnh đã được triển khai với 2 mỏ khoáng sản là mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp tại đồi Hang Hổ thuộc phường Hoàng Tiến và mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại đồi Trại Mét và đồi Trại Quan, phường Bến Tắm (Chí Linh). Ngày 21/7/2023, cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản lần 2 được tổ chức với 3 mỏ khoáng sản còn lại trong kế hoạch được tỉnh phê duyệt.

Kết quả trúng đấu giá đều cao hơn giá khởi điểm rất nhiều (cao hơn từ 909 triệu đồng đến hơn 70 tỷ đồng). Theo tính toán sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường, khi các doanh nghiệp trúng đấu giá khai thác khoáng sản 5 mỏ này sẽ thu về cho ngân sách nhà nước trên 300 tỷ đồng.

Lý giải về vấn đề này nhiều chuyên gia khai thác khoáng sản cho rằng, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản có nhiều lợi ích. Doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh công bằng, hạn chế việc độc quyền trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Qua đấu giá sẽ lựa chọn được doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, góp phần giảm thiểu các tác động đến môi trường. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng sẽ tăng thu ngân sách nhà nước, từng bước góp phần xóa bỏ được cơ chế “xin – cho” trong cấp phép khai thác khoáng sản.

Kết quả nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản của cơ quan chức năng cho thấy trên địa bàn Hải Dương có khoảng 24 loại hình khoáng sản, được phân bố chủ yếu ở Chí Linh và Kinh Môn. Để phát huy hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có khoáng sản cần tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tới.

Link nội dung: https://pld.net.vn/hai-duong-day-manh-cong-tac-dau-gia-quyen-khai-thac-khoang-san-a14811.html