Tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ lũ chồng lũ
Công điện của Thủ tướng gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.
Công điện nêu rõ, từ ngày 25 tháng 9 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi tới trên 500mm, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương nhất là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Dự báo trong những ngày tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".
Khẩn trương rà soát, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Trong đó, Thủ tướng lưu ý Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh: Khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người.
Kịp thời hỗ trợ lượng thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.
Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu.
Kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ngay sau khi nước rút.
Sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Kịp thời thông tin cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu, vệ sinh môi trường, khẩn trương khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân ngay sau mưa lũ, không để xảy ra dịch bệnh.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Đề nghị các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Trước đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có Văn bản số 362/VPTT ngày 27/9/2023 đề nghị các tỉnh Thanh Hoá đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Văn bản nêu rõ, từ ngày 25-27/9/2023, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Trung Bộ đã có mưa to đến rất to từ 200-400mm, hiện đang mở rộng ra Thanh Hoá và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 27-28/9/2023, khu vực Thanh Hoá đến Nghệ An có mưa rất to từ 60-120mm, có nơi trên 200mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ có mưa từ 40-70mm, có nơi trên 100mm; Hà Tĩnh và khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa từ 20-50mm, có nơi trên 90mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Thanh Hóa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ tả sông Bưởi
Trước diễn biến sạt lở vẫn có chiều hướng phát triển phức tạp, khó lường do mưa lớn kéo dài, ngày 27/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Bưởi tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Thạch Thành và các sở, ngành liên quan cần áp dụng ngay một số biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản. UBND huyện Thạch Thành tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Huyện tổ chức cắm mốc, biển cảnh báo nguy hiểm trong phạm vi sạt lở và thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân, đơn vị trong khu vực biết để chủ động phòng, tránh, tuyệt đối không cho người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra mưa, lũ.
Đồng thời, huyện khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan bị ảnh hưởng, mất an toàn khi có tình huống xảy ra, thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các vị trí sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến đường tỉnh 523, đảm bảo giao thông thông suốt. Về lâu dài, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu bố trí vốn để xử lý chống sạt lở khu vực nêu trên, đảm bảo ổn định lâu dài.
Tính đến 18 giờ ngày 27/9, lũ trên sông Bưởi tiếp tục lên nhanh, gây ngập và sạt lở một số khu vực đất canh tác của người dân trên địa bàn huyện Thạch Thành. Đáng lưu ý, mưa lũ tiếp tục gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông đoạn qua thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, đe dọa an toàn tính mạng của hàng chục hộ dân.
Mưa lớn những ngày qua đã làm xuất hiện thêm một số vết nứt dọc bờ sông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với tỉnh lộ 523, cơ sở hạ tầng thuộc khu trung tâm hành chính của xã Thành Trực và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 22 hộ dân thuộc thôn Vọng Thủy đang sinh sống dọc tuyến đường cùng nhiều hộ dân khu vực lân cận của xã Thành Trực.
Trước đó, khu vực dọc bờ tả sông Bưởi thuộc thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 1,4km, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Vị trí sạt lở từ K34+450 đến K35+850, là đoạn cong của sông Bưởi, khi mùa mưa bão đến, dòng nước chảy xiết, xoáy vào bờ khiến điểm sạt lở ngày càng khoét sâu vào bờ sông. Nhiều vị trí sạt lở tiếp giáp với nền, móng của nhiều công trình quan trọng như: Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, nhà văn hóa xã, đường điện 110 KV, đường tỉnh 523, có vị trí mép sạt chỉ còn cách móng nhà dân 1-2 m, cách đường tỉnh 523 từ 4-6 m.
TIN DỰ BÁO MƯA LỚN Ở KHU VỰC BẮC BỘ VÀ THANH HÓA
Đêm qua và sáng nay (28/9), ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to và dông; riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 27/9 đến 08h ngày 28/9 có nơi trên 180mm như: Ban Hàng Đồi (Hòa Bình) 194.4mm, Hương Sơn (Hà Nội) 277.6mm, Ba Sao (Hà Nam) 205.2mm,...
Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới
Ngày và đêm 28/9: Khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm (mưa lớn tập trung trong ngày 28/9).
Ngoài ra, trong ngày và đêm 28/9, các nơi khác ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 60mm.
Khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và tối).
Dự báo tác động của mưa lớn
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Danh sách các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 06 giờ tới
Link nội dung: https://pld.net.vn/nguy-co-lu-chong-lu-thu-tuong-chi-dao-khan-a14861.html