Sau khi Diễn đàn Doanh nghiệp đăng bài viết “Giải bài toán cát đắp nền cho cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long”, công ty Cổ phần Tập đoàn TNT (TNT Group) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nhập khẩu cát từ Campuchia phục vụ các dự án đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo văn bản của TNT Group: “Qua thông tin đại chúng, chúng tôi được biết hiện nay, theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, các dự án cao tốc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng chiều dài khoảng 355 km, đang cần khoảng 6,6 triệu m3 đá, 4,7 triệu m3 đất đắp và gần 54 triệu m3 cát đắp và san lấp. Trong tổng số 54 triệu m3 cát đắp và san lấp, được chia ra cho 4 dự án trọng điểm như sau: Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau cần khoảng 18,1 triệu m3 cát, trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.
Ba dự án cao tốc trục ngang, gồm: Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 28,91 triệu m3; trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3+ và năm 2025 là 8,95 triệu m3. Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh cần tổng nhu cầu cát san lấp khoảng 3,1 triệu m3 và hiện đã được cân đối. Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu cần gần 3,5 triệu m3 cát.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều dự án, công trình thi công đang phải chậm tiến độ, có công trình, gói thầu gần như dừng thi công do chờ cát. Vật liệu cát san lấp vẫn đang thiếu hụt trầm trọng. Đơn cử, trong tổng số 18,1 triệu m3 cát cung cấp cho tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau, tỉnh Đồng Tháp đã cam kết cung cấp 7 triệu m3 cát, tỉnh An Giang cũng có văn bản cung cấp 3,3 triệu m3 cát trong năm nay và đã giao 4 mỏ cho dự án. Tỉnh Vĩnh Long có giới thiệu 2 mỏ cát 1,38 triệu m3, hiện nhà thầu đang khảo sát, đánh giá trữ lượng. Thế nhưng, thực tế lượng cát được các tỉnh bố trí cho dự án này đến nay là 1,47 triệu m3, mới đạt 8% so với nhu cầu.
Điều đáng lo ngại khác là nguồn cát san lấp chủ yếu cho các tuyến đường này được khai thác trên hai tuyến sông chính của ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong khi đó, nghiên cứu của dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam vào cuối năm 2022 cho thấy, hiện nay, khối lượng cát đổ về ĐBSCL từ 6,18 – 7 triệu tấn/năm và khoảng 6,5 triệu tấn cát đổ ra Biển Đông. Thế nhưng, lượng cát được khai thác từ các con sông ở khu vực này là từ 28 – 40 triệu tấn/năm. Việc khai thác cát không bền vững đang tác động không nhỏ đến hình thái của hai dòng sông chính ở khu vực ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu.”
“Chính phủ cũng đang tìm kiếm nhiều giải pháp khác nhau để xử lý tình trạng thiếu hụt cát cung cấp cho các dự án đường cao tốc tại ĐBSCL: Khai thác và xử lý cát biển để đắp nền và làm vật liệu xây dựng; làm cầu cạn trên cao; gia hạn cấp phép lại cho các mỏ hết hạn; cấp phép khai thác cho một số mỏ lớn; tăng công suất khai thác mỏ cát…Tuy nhiên các phương án trên có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, tác động xấu đến môi trường: sạt lở bờ sông, bờ biển và chi phí đầu tư xây dựng rất cao, trong khi nguồn lực còn khá hạn chế, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án cao tốc.”– TNT Group nhận định.
Để kịp thời giải quyết nhu cầu cát đắp nền tại các dự án cao tốc tại ĐBSCL, TNT Group kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành xem xét:
Thứ nhất: Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương thí điểm đưa nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia trở thành một giải pháp thay thế cho nguồn cát thiếu hụt tại các công trình đường cao tốc ở ĐBSCL.
Thứ hai: Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, vận tải cũng như nguồn tín dụng để doanh nghiệp có thể nhập khẩu cát với số lượng lớn, thuận lợi đáp ứng kịp thời nhu cầu các công trình đường cao tốc ở ĐBSCL.
“TNT Group kính mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành, cơ quan địa phương xem xét cho phép cát chúng tôi nhập khẩu từ Campuchia sử dụng tại các công trình đường cao tốc ở ĐBSCL, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các dự án trọng điểm quốc gia cả về số lượng, chất lượng và tiến độ.”– TNT Group kiến nghị.
Ngay sau khi nhận được văn bản kiến nghị của TNT Group, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo nội dung phiếu chuyển, Văn phòng Chính phủ nhân được văn bản số 107/2023/CV-TNT GROUP ngày 25 tháng 9 năm 2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn TNT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị nhập khẩu cát từ Campuchia phục vụ các dự án đường cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long.
“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Văn phòng Chính phủ xin chuyển văn bản nêu trên của Công ty Cổ phần tập đoàn TNT đến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, đề xuất xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.”– phiếu chuyển ghi.
“TNT Group là một trong những doanh nghiệp đang nhập khẩu khối lượng lớn cát xây dựng, san lấp từ Campuchia về Việt Nam và xuất khẩu đi nước thứ ba. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi nhập khẩu về Việt Nam từ 30.000- 50.000 khối cát và có thể tăng thêm sản lượng. Đối tác của TNT Group là doanh nghiệp được Chính phủ Campuchia cấp phép khai thác hợp pháp trên dòng sông Mekong, có trữ lượng cát được cấp phép khai thác lớn nhất tại Campuchia lên tới hàng trăm triệu khối. Chúng tôi có thể cung cấp, đáp ứng cho nhu cầu của các dự án đường cao tốc ở ĐBSCL cả về số lượng, chất lượng, yêu cầu kỹ thuật cũng như giá cả” – ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch HĐQT TNT Group nhấn mạnh.
Link nội dung: https://pld.net.vn/chinh-phu-tiep-nhan-kien-nghi-nhap-khau-cat-tu-campuchia-phuc-vu-cac-du-an-duong-cao-toc-a14993.html