Những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ trong quý III

Hiện tại chưa có nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng trong số ít những doanh nghiệp đã công bố, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ

Kết quả kinh doanh ảm đạm

tru-so-chinh-1-1697373717.jpg
Điện lực 3 ghi nhận khoản lỗ đầu tiên sau 6 quý liên tiếp có lãi.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Điện lực 3 (HNX: PIC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023, ghi nhận khoản lỗ đầu tiên sau 6 quý liên tiếp có lãi. Cụ thể, trong quý III, doanh thu của PIC đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp chỉ 1,4 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 80%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính và chi phí tài chính đều biến động giảm, trong khi, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên, nhưng tác động đều không đáng kể. Kết quả, sau khi trừ chi phí, PIC lỗ sau thuế 2 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 2,2 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đầu tiên sau 6 quý liên tiếp báo lãi của của doanh nghiệp ngành điện này.

Lũy kế 9 tháng, PIC đạt 86 tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 23,4 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Với kết quả này, PIC thực hiện được 68% kế hoạch doanh thu và gần 84% kế hoạch lãi sau thuế của năm.

Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân kéo kết quả 9 tháng đầu năm 2023 đi lùi là do điều kiện thủy văn kém thuận lợi, mưa ít hơn. Trong quý II và quý III/2023, thời tiết tại khu vực 2 nhà máy thủy điện Đăk Pône và Đa Krông 1 khô hạn, không thuận lợi để phát điện. Sản lượng điện thương phẩm ghi nhận hơn 66 GW, giảm hơn 11% so với 9 tháng năm 2022; doanh thu bán điện cũng giảm 8%, đạt gần 86 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Thép Vicasa - Vnsteel (HoSE: VCA) cũng đã chấm dứt chuỗi 3 quý lãi liên tiếp khi ngành thép bước vào giai đoạn thấp điểm. Cụ thể, trong quý III/2023, VCA ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 7 tỷ đồng, trong khi, cùng kỷ lỗ gộp gần 10 tỷ đồng.

anh-loi-pld-1697373845.jpg
Thép Vicasa - Vnsteel là doanh nghiệp ngành thép đầu tiên báo lỗ trong quý III.

Mặc dù trong kỳ, hầu hết các chi đều được cắt giảm, trong đó, chi phí lãi vay giảm 7%, chi phí bán hàng giảm 10% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh nhất với 41%. Tuy vậy, sự suy giảm về chi phí này không đủ để giúp doanh nghiệp ngành thép này thoát lỗ.

Theo đó, kết thúc quý III, VCA báo lỗ ròng gần 3 tỷ đồng, nhưng cũng giảm lỗ hơn nhiều so với mức lỗ 22 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, khoản lỗ này cũng chấm dứt chuỗi 3 quý có lãi liên tiếp của doanh nghiệp này.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, VCA ghi nhận doanh thu thuần 1.254 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng gần 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 12 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp mới hoàn thành được 37% kế hoạch lãi trước thuế năm 2023.

Trong khi đó, Công ty CP Vicem Thạch cao Xi măng (HNX: TXM) ghi nhận mức lỗ ròng 752 triệu đồng trong quý III/2023, đánh dấu quý thứ 3 thua lỗ liên tiếp.

ximang-1697373717.jpg
Vicem Thạch cao Xi măng đánh dấu quý thứ 3 thua lỗ liên tiếp.

Trong quý III/2023, doanh thu thuần của TXM giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 27 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tuy giảm mạnh nhưng vẫn ăn mòn gần 82% doanh thu, dẫn đến lợi nhuận gộp thu về chỉ gần 5 tỷ đồng.

Lợi nhuận teo nhỏ không đủ bù đắp chi phí bán hàng với hơn 2 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 3 tỷ đồng, nên TXM lỗ rộng 752 triệu đồng trong quý III, đánh dấu 3 quý lỗ liên tiếp.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, TXM ghi nhận doanh thu đạt gần 82 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 4 tỷ đồng.

Công ty CP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UpCOM: VRG) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần VRG giảm tới 76% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 5 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp của VRG còn 2,5 tỷ đồng, giảm 82%.

sanpham2-1697373717.jpg
Không phát sinh hợp đồng thuê đất KCN, VRG lỗ kỷ lục trong quý III - Ảnh: KCN Công Hòa, tỉnh Hải Dương do VRG làm chủ đầu tư

Còn doanh thu hoạt động tài chính chỉ hơn 100 triệu đồng, giảm mạnh 93% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng hơn 5 lần lên gần 190 triệu đồng.

Kết quả, sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 9 tỷ đồng. Đây cũng là quý có khoản lỗ cao kỷ lục của VRG kể từ khi doanh nghiệp này giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM từ năm 2014 đến nay.

VRG cho biết, trong quý III, Công ty không phát sinh hợp đồng cho thuê đất và hạ tầng. Song song đó, các khoản tiền gửi có kỳ hạn giảm so cùng kỳ do Công ty sử dụng nguồn tiền này để triển khai các hạng mục đầu tư. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 70% lên gần 7 tỷ đồng, do phát sinh các khoản phí phục vụ công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Cộng Hòa.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần VRG đạt hơn 24 tỷ đồng, giảm 21%, Doanh nghiệp lỗ ròng hơn 3 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 7 tỷ đồng. Với kết quả này, VRG mới thực hiện được 10% chỉ tiêu tổng doanh thu và chưa thực hiện được chỉ tiêu lãi sau thuế.

Đã xuất hiện thêm nhiều điểm sáng
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên mặc dù có phần ảm đạm, nhưng đây cũng không phải là những doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên thị trường và cũng không phải là những doanh nghiệp đầu ngành, không phản ánh hết toàn cảnh bức tranh kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, các kết quả kinh doanh này cũng phần nào phản ảnh sự khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quý III này. Những kỳ vọng đều được đặt vào những tháng còn lại của năm nay, khi quý IV được coi là mùa cao điểm Tết ở Việt Nam, cũng như mùa Lễ hội ở phương Tây, sẽ cải thiện phần nào sức cầu của người tiêu dùng.

kinhte-1697373717.jpg
 

Theo đánh giá của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), ở những tháng cuối năm 2023, bức tranh nền kinh tế của Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều điểm sáng, cụ thể: Đối với lĩnh vực sản xuất: Mặc dù có sự đan xen giữa các tháng có sự mở rộng hoặc thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất, nhưng nhìn chung lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng tích cực.

PMI tháng 9 có giảm nhẹ dưới ngưỡng 50 điểm, nhưng không đáng lo ngại. Tình trạng thu hẹp sản xuất có thể sẽ kết thúc từ tháng sau vì yếu tố tiên quyết đối với chỉ số PMI là số lượng đơn hàng mới vẫn tăng trưởng rất tích cực, duy trì mức tăng trưởng ở tháng thứ 2 liên tiếp.

Thực tế, lĩnh vực sản xuất chỉ tạm thời thu hẹp trong tháng 9 do hàng tồn kho còn cao, vẫn đủ cung cấp cho các đơn hàng mới nên các doanh nghiệp đang do dự trong việc mở rộng sản xuất và tuyển thêm lao động.

Trong thời gian tới, khi lượng hàng tồn kho cạn dần, số đơn hàng tăng mạnh khi bắt đầu bước vào mùa lễ hội cuối năm kéo theo xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa tăng lên, tạo động lực cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

Đối với thị trường tiêu thụ: Thị trường tiêu thụ nội địa vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực từ tháng 3/2023, thị trường xuất khẩu có tín hiệu phục hồi so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cuối năm thường là cao điểm của ngành bán lẻ và xuất khẩu do bước vào mùa lễ hội cuối năm.

Lĩnh vực đầu tư: Đầu tư công và FDI đều đạt được mức tăng trưởng so với cùng kỳ, đặc biệt là FDI đăng ký và FDI góp vốn, mua cổ phần. Đây là yếu tố khá tích cực, là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2023 và những năm sau.

Các yếu tố vĩ mô: Ngoại trừ yếu tố tỷ giá, các yếu tố vĩ mô khác của Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng tích cực và trong tầm kiểm soát. GDP mặc dù không đạt kỳ vọng nhưng vẫn duy trì được xu hướng tăng, quý sau cao hơn quý trước. Lạm phát mặc dù cao hơn các năm trước nhưng vẫn dưới mức mục tiêu của Chính phủ đề ra. Lãi suất huy động và cho vay đã hạ nhiệt sau thời gian duy trì ở mức cao…

Các ngành được kỳ vọng khởi sắc trong thời gian tới: Xuất nhập khẩu (nông sản, thuỷ sản, dệt may, giày da…; Bán lẻ; Dược phẩm; Du lịch; Tài chính; Đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng và BĐS; Logistic; Năng lượng tái tạo; Dịch vụ lưu trú, ăn uống…

Link nội dung: https://pld.net.vn/nhung-doanh-nghiep-dau-tien-bao-lo-trong-quy-iii-a15048.html