Uỷ ban Quốc phòng và An ninh họp toàn thể lần thứ 9, thẩm tra dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Sáng 20/10/2023, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 9, thẩm tra dự án Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Thượng tướng Trần Quang Phương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp; Trung tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại phiên họp.

Tham dự phiên họp có đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí trong Thường trực UBQPAN, các Uỷ ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...

Bảo đảm tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tham gia giao thông

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã quyết định bổ sung dự án Luật TTATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Quốc hội sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

556-1-1697809515.jpg
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phát biểu mở đầu phiên họp.

Thời gian qua, UBQPAN đã tích cực chủ trì, phối hợp với Bộ Công an cùng các bộ, ngành liên quan và một số tỉnh, thành tổ chức các buổi tọa đàm để lắng nghe ý kiến của các đại biểu, các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học để có thêm thông tin, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra trình Phiên họp thẩm tra chính thức của UBQPAN. Do đây là dự án luật quan trọng, gần gũi với đời sống của người dân, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới mong nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Tờ trình về dự án luật do Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông trình bày cho biết, tình hình TTATGT đường bộ những năm qua tuy có chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hoá giao thông còn nhiều yếu kém...

472-2-1697809515.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy. Sau 15 năm thực hiện, nhiều quy định của luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam.

"Việc xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý, phù hợp với xu thế phát triển pháp luật của nước ta và thông lệ quốc tế" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 81 điều, quy định về quy tắc giao thông đường bộ; về phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; về chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm TTATGT đường bộ; về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ...

3-4-1697809515.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Qua thẩm tra, UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật như tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhận thấy, việc tách các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để xây dựng 2 dự án luật: Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ là cần thiết để quy định đầy đủ, cụ thể về từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị số 18, ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông"; Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới".

Việc cấp cứu kịp thời sẽ giảm thiệt hại do tai nạn giao thông 

Thảo luận tại phiên họp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Quản Minh Cường bày tỏ đồng tình việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ để tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm TTATGT đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tham gia giao thông; tăng cường tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân. "Bởi thực tế tình hình TTATGT đường bộ diễn biến phức tạp, TNGT để lại hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội", ông nhận định.

447-4-1697809515.jpg
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Quản Minh Cường thảo luận tại phiên họp.

Đề cập tình trạng học sinh đi xe gắn máy, xe đạp điện lạng lách, quá tốc độ, thường xuyên không đội mũ bảo hiểm, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai đề nghị quy định bắt buộc học sinh từ 16 đến dưới 18 tuổi phải tham gia chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy và phải có những biện pháp nghiêm răn đe, "tránh tình trạng học sinh học, tham gia cho có, không áp dụng khi tham gia giao thông".

Nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án luật, Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, Phó Tư lệnh Quân khu 7 đề nghị bổ sung vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ tại Điều 6 dự thảo Luật.

736-5-1697809515.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhận định, dự thảo Luật TTATGT đường bộ và báo cáo thẩm tra được chuẩn bị công phu, đã tổng hợp được những ý kiến đóng góp về các nội dung khác nhau của dự thảo Luật để Chính phủ và các cơ quan tham khảo, hoàn chỉnh; đồng thời đánh giá cao dự thảo Luật quy định nhiều nội dung phù hợp với quy định của các nước phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, nếu "linh hồn" của Luật Đường bộ là hạ tầng đường bộ, yếu tố "tĩnh" thì Luật TTATGT đường bộ là thượng tầng, yếu tố "động", tức cả vấn đề con người, phương tiện, quy tắc... Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sau phiên họp, Thường trực UBQPAN tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, xác định thật rõ những vấn đề trọng tâm của báo cáo thẩm tra, đặc biệt đi sâu về những vấn đề lớn mà dư luận quan tâm, còn có ý kiến khác nhau, từ đó hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình kỳ họp sắp tới.

443-6-1697809658.jpg
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên họp.

Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn, nghiêm túc tiếp thu toàn bộ ý kiến tại phiên họp, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo, định hướng của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Đến thời điểm này, dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đã thể chế hoá cơ bản Nghị quyết số 23 của Ban Bí thư, đề ra nhiệm vụ tập trung rà soát, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT, gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Khẳng định dự án Luật phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế và tính khả thi nếu được ban hành, tuy nhiên không tránh khỏi có sự giao thoa, chồng lấn với dự án Luật Đường bộ, đồng chí Thứ trưởng cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh tờ trình và dự án Luật khúc chiết, minh bạch hơn...

Link nội dung: https://pld.net.vn/uy-ban-quoc-phong-va-an-ninh-hop-toan-the-lan-thu-9-tham-tra-du-an-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-a15076.html