Mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, Bộ Công an dự kiến định danh số nhà và căn hộ chung cư để xác định mỗi người đang sở hữu bao nhiêu bất động sản. Theo đó, C06 sẽ định danh các bất động sản (BĐS) của từng người, từ đó giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu BĐS (địa chỉ nhà ở, số căn hộ), tạo ra mạng lưới định danh BĐS gắn với mỗi công dân, để cho những đơn vị trung gian khác khai thác, sử dụng.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, việc định danh số nhà, số căn hộ giúp minh bạch được chủ tài sản đó có bao nhiêu BĐS, từ đó tạo ra mạng lưới định danh BĐS gắn với mỗi công dân. Tuy nhiên, ngoài số nhà thì phải thu thập, cập nhật rất nhiều thông tin đi kèm với dữ liệu rất lớn.
Ví dụ, căn nhà đó chủ sở hữu đang ở, đang cho thuê hay bỏ không? Hoạt động mua bán của nhà đất phải được cập nhật lên hệ thống định danh ngay khi có biến động giao dịch. Trường hợp có số nhà nhưng nhà lại không có sổ hồng vì mua bán giấy tay thì phải có thông tin chủ đất, giấy tờ mua bán giấy tay hay nhà sổ chung…
“Dữ liệu sẽ rất lớn về nhà đất, giao dịch, quyền sở hữu, chưa kể nhân lực, chi phí, công nghệ… Do đó, ngoài việc phối hợp đồng bộ giữa bộ, ngành, địa phương thì phải có sự thống nhất giữa các quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS và các luật khác. Nguyên tắc phải bảo mật thông tin cá nhân, tài sản cho người dân được đặt lên hàng đầu”, luật sư Biên nêu quan điểm.
Cũng đánh giá về dự kiến định danh số nhà của Bộ Công an, luật sư Nguyễn Đăng Tư, Công ty Luật TNHH TriLaw, bày tỏ sự lo lắng việc triển khai thủ tục định danh BĐS sẽ khó khăn và rất tốn kém bởi chủ sở hữu các BĐS thay đổi liên tục. Một BĐS có nhiều người cùng sở hữu như BĐS của vợ chồng, BĐS của hộ gia đình, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Cũng có những BĐS đang trong tình trạng tranh chấp và BĐS chưa xác định được chủ sở hữu. Nếu triển khai số hóa đồng bộ thì phải huy động rất nhiều nhân lực. Ngoài ra, cũng cần tính đến việc các căn hộ, số nhà sẽ thay đổi khi bị chia tách, sáp nhập, thay đổi, khi đó người dân lại phải thực hiện thêm thủ tục.
“Hiện nay đã có định danh cá nhân nên theo tôi, để kiểm soát chống tham nhũng, hạn chế rửa tiền và để quản lý BĐS nhằm đánh thuế BĐS thứ hai và BĐS bỏ hoang như các dự thảo, chỉ cần căn cứ vào dữ liệu của các Sở TN-MT và Sở Xây dựng, sau đó tích hợp vào dữ liệu định danh cá nhân là quản lý được mà không cần phải định danh từng BĐS”, luật sư Nguyễn Đăng Tư đề xuất.
Ở một góc nhìn khác, Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, chức năng quản lý quyền sở hữu BĐS là của Bộ TN&MT, bộ này cũng đang triển khai quản lý thị trường BĐS. Hiện trên mỗi sổ hồng đều có mã số, mã vạch, chỉ cần nhập số CCCD thì sẽ biết người đó đang sở hữu bao nhiêu nhà đất.
“Quản lý người dân sở hữu BĐS thực sự không khó, với cách quản lý của Bộ TN&MT sẽ giúp bảo mật thông tin về tài sản của người dân hơn vì BĐS là loại tài sản lớn” – ông Quang nói.
Còn về hướng quản lý thông qua nắm số nhà, căn hộ là rất khó vì số nhà gần như cố định nhưng chủ sở hữu thì thay đổi. Hiện hộ khẩu cũng đã bỏ, cơ quan công an đã quản lý qua CCCD gắn chip, mã số định danh cá nhân VNeID, có đầy đủ thông tin cá nhân và cả số nhà trên đó.
Chia sẻ thêm, ông Quang cho rằng: “Hiện nay chỉ cần các bộ, ngành phối hợp số hóa thì sẽ quản lý chi tiết hơn được thị trường BĐS. Các địa phương cũng đang số hóa trong quy hoạch, sắp tới hợp tác với Google Maps chi tiết hơn thông tin về từng nhà đất, căn hộ. Khi đó, người dân chỉ cần bật định vị, nhấn vào vị trí BĐS sẽ hiện lên mọi thông tin của nó”.
Link nội dung: https://pld.net.vn/dinh-danh-so-nha-de-minh-bach-bat-dong-san-chuyen-gia-noi-gi-a15132.html