Vì sao Nghệ An liên tục kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản?

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Nghệ An liên tục thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm chấn chỉnh, xử lý những vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp…

anh-1-5-1698421464.jpg
Nhiều ngọn núi bị “móc ruột”, đào bới trong thời gian quan tại huyện Quỳ Hợp, nơi được xem là “thủ phủ” khoáng sản của Nghệ An nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ nói chung

Đây được xem là động thái hết sức cứng rắn, quyết liệt từ phía lãnh đạo tỉnh nhằm ngăn ngừa tình trạng “chảy máu” nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Bởi lẽ, thông qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện, làm rõ nhiều vi phạm quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, vật liệu nổ công nghiệp, an toàn lao động, chấp hành pháp luật thuế… của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Đồng thời, còn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của các cấp chính quyền địa phương liên quan trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khoáng sản.

Phát hiện nhiều sai phạm

Được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng khoáng sản phong phú, đa dạng vào loại bậc nhất cả nước, những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, xử phạt vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Đơn cử như vào các năm 2021 và 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập 2 đoàn liên ngành theo các Quyết định số 3892/QĐ-UBND ngày 21/10/2021, 1505/QĐ-UBND ngày 02/6/2022; thực hiện kiểm tra 32 giấy phép khai thác khoáng sản của 22 tổ chức và kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản 4 UBND các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và Nam Đàn.

Qua kiểm tra, đã phát hiện làm rõ nhiều những tồn tại vi phạm quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, vật liệu nổ công nghiệp, an toàn lao động, chấp hành pháp luật thuế… Bên cạnh đó, cũng đã chỉ rõ ra những tồn tại, hạn chế của 4 UBND các huyện trong quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản.

anh-3-2-1698421464.jpg
Năm 2021, Công an tỉnh Nghệ An đã đột kích bắt giữ vụ khai thác đá trắng trái phép ở núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp

Từ việc phát hiện, làm rõ các vi phạm của 22 tổ chức, đoàn liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Cục Thuế và Chủ tịch UBND các huyện liên quan xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức này.

Tổng số tiền xử phạt, truy thu thuế là gần 25 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt, truy thu vi phạm về lĩnh vực thuế hơn 18,384 tỷ đồng; xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai hơn 2,14 tỷ đồng; xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản gần 3,5 tỷ đồng; xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường 330 triệu đồng; xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước 110 triệu đồng; xử phạt trong lĩnh vực xây dựng 50 triệu đồng; xử phạt trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp 115 triệu đồng; xử phạt trong lĩnh vực an toàn lao động 321 triệu đồng.

Lo ngại “chảy máu” tài nguyên…

Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là ở các khu vực miền núi phía Bắc – nơi tập trung nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như: Đá hoa trắng, quặng thiếc, đá xây dựng các loại…

Chính bởi vậy, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tiếp tục ban hành quyết định thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của 23 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Đoàn liên ngành bao gồm các thành viên là các sở, ngành có liên quan và chính quyền huyện Quỳ Hợp. Ông Võ Văn Ngọc – Phó Giám đốc Sở TN&MT được giao trọng trách làm Trưởng đoàn.

Nằm trong danh mục kiểm tra, có thể kể đến một số cái tên quen thuộc như: Công ty TNHH Invecon Quỳ Hợp, Công ty CP khai thác khoáng sản Nghệ An, Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế, Công ty CP An Lộc, Công ty CP Khai thác đá và Khoáng sản Phủ Quỳ, Hợp tác xã Thành Công, Công ty TNHH Xây lắp và KD Tổng hợp Cường Thịnh, HTX Liên Hợp, Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Hoàng Long…

Đoàn liên ngành sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, chấp hành thiết kế mỏ, an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế và pháp luật khác có liên quan của các doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra. Niên độ kiểm tra từ ngày 01/01/2018 đến thời điểm kiểm tra.

anh-4-1698421464.jpg
Hoạt động khai thác khoáng sản ở Nghệ An đang còn tồn tại nhiều sai phạm về thuế, môi trường, đất đai, vật liệu nổ…

Đồng thời, đoàn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, báo cáo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; thực hiện quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan làm việc và cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan xử lý các vi phạm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Kết thúc kiểm tra, Đoàn liên ngành kiểm tra tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý và kiến nghị UBND tỉnh giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền. Thời hạn kiểm tra trong 90 ngày, kể từ ngày công bố.

Được biết, trước đó UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 8250/UBND-NN ngày 29/9/2023 gửi các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Công an tỉnh, Cục Thuế và UBND các huyện, thị xã. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Quỳ Hợp tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiếp tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Link nội dung: https://pld.net.vn/vi-sao-nghe-an-lien-tuc-kiem-tra-cac-mo-khai-thac-khoang-san-a15133.html