Vậy, làm thế nào để đưa một tác phẩm văn chương vào sách giáo khoa không chỉ giàu ý nghĩa giáo dục, mà còn hội tụ các yếu tố chân-thiện-mỹ cả về hình thức và nội dung?
Nói đến con người là nói đến giá trị văn hóa cao nhất, là giá trị của mọi giá trị, đúng như quan niệm của người Việt: “Người ta là hoa đất”. Thế nên người Việt rất chú ý đến giáo dục trẻ em: “Dạy con từ thủa còn thơ” vì đặt niềm tin, hy vọng vào trẻ em. Lời ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói thay được điều này: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha”. Em là hy vọng của mẹ. Em là lý tưởng của cha... “Em đến trường học bao điều lạ, môi hé cười là những nụ hoa...”. Nhà trường có sứ mệnh cao cả vì giúp trẻ em học thêm bao điều mới mẻ để lớn lên, trưởng thành về nhân cách. Để làm tốt điều ấy, môn Ngữ văn đóng vai trò chủ đạo.
Hẳn nhiên, phải cho trẻ em học những tác phẩm văn học hay nhất, mang tính chuẩn mực về nhiều phương diện văn chương, giáo dục, tâm lý, lịch sử... Chưa kể còn phải đáp ứng các yêu cầu phù hợp độ tuổi, nhận thức, giới tính... Chọn được văn bản tương đối bảo đảm yêu cầu nhưng vì phận “làm dâu trăm họ” nên các nhà biên soạn vẫn chịu phán xét của dư luận. Dư luận có đúng, có sai, vì có người có chuyên môn, có người chỉ dựa vào cảm tính, nhưng điểm chung đáng quý là xã hội rất quan tâm đến giáo dục và văn chương. Thử hình dung một xã hội bàng quan, đúng sai “mặc kệ” ngành giáo dục thì thật đáng sợ. Vì thế các nhà làm sách rất nên chịu khó tham khảo, để khi có dịp thì lên tiếng một cách khách quan, khoa học, kịp thời. Đúng thì khẳng định, thiếu sót thì bổ sung, chỉnh sửa, hiệu đính. Thực sự, với những tác giả có sản phẩm tốt, họ là những nhà khoa học giáo dục đáng kính, đáng trọng bởi đã đặt mục đích vì học sinh lên hàng đầu, không chọn theo lối cảm tính, cũng không theo kiểu “lợi ích nhóm”, “cánh hẩu”, đưa “tác phẩm” của “người nhà mình” vào sách giáo khoa.
Tiêu chuẩn một tác phẩm văn học được đưa vào giảng dạy cho học sinh (tiểu học và THCS) cũng dễ thống nhất: Nội dung phải hay, trong sáng, giản dị; hình thức phải đẹp, dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ. Ngoài tính giáo dục cao còn là yếu tố vùng miền, yếu tố hiện đại, mới mẻ... Tóm lại là xem tác phẩm ấy có phục vụ cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu; có phù hợp với đặc điểm nhận thức, tâm sinh lý; có bảo đảm mục tiêu giáo dục (phẩm chất, ngôn ngữ, thẩm mỹ) của trẻ hay không. Quan trọng hơn là tác phẩm ấy phải thể hiện được thành tựu về tư tưởng, tâm hồn con người và văn hóa dân tộc; giáo dục lòng nhân ái, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế.
Thế giới hôm nay chọn giảng tác phẩm văn học theo hai xu hướng. Một là phải chọn được tác phẩm mang tầm giá trị văn hóa; con người là một giá trị văn hóa thì đương nhiên phải được thụ hưởng những giá trị văn hóa; mà cái lõi của văn hóa là truyền thống dân tộc, là tinh thần yêu nước; thế nên mỗi quốc gia đều có chương trình, sách giáo khoa khác biệt. Hai là, đưa cả văn bản “có vấn đề” vào chương trình với mục đích khuyến khích học sinh phản biện, ngoài cảm nhận cái tốt, cái đúng, cái hay còn phải biết chỉ ra cái xấu, cái dở, tức rèn luyện bộc lộ chính kiến trước nhiều tình huống. Những điều này rất đáng để chúng ta suy nghĩ, tham khảo. Nước nào cũng thế, sách giáo khoa bao giờ cũng được tuyển chọn hết sức công phu, qua nhiều hội đồng thẩm định, phản biện, nhiều thử nghiệm mới được đưa vào giảng dạy chính thức.
Soi những điều trên vào tình hình đang diễn ra ở ta sẽ thấy nhiều gợi mở. Trong bài thơ “Bắt nạt” đưa vào chương trình sách giáo khoa có khuyên trẻ em học “hip hop” khá xa lạ với bản sắc Việt. Cần dạy “hip hop” để hòa nhập với thế giới, nhưng với học sinh lớp 6 đã phù hợp chưa? Học sinh thành phố đã vậy, còn học sinh vùng cao, nơi xa xôi, hẻo lánh. Tương tự, “mù tạt” là gì thì ở nông thôn cũng nhiều người chưa biết... Dạy văn là một cách hình thành các giá trị văn hóa-cái gốc của nhân cách người, do vậy rất cần được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội.
Link nội dung: https://pld.net.vn/nhin-thang-noi-that-day-van-day-nguoi-can-chuan-muc-a15200.html